Sunday, June 1, 2014

• Việt Nam gìn giữ, bảo tồn và phát triển tài nguyên biển ra sao? (phần 2)


Rùa biển bị người dân đánh bắt được thả về vịnh Nha Trang
Rùa biển bị người dân đánh bắt được thả về vịnh Nha Trang
ảnh: THU SƯƠNG/nld
Gia Minh, biên tập viên RFA
Trong chương trình kỳ trước, một số chuyên gia thuộc ngành hải dương học Việt Nam trình bày nhận định về cách thức nguồn tài nguyên biển của Việt Nam được khai thác lâu nay, cũng như các chương trình, kế hoạch biển của Nhà nước Việt Nam.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này mời quí vị theo dõi trình bày về hoạt động hợp tác với các nước khác thuộc lĩnh vực này và những trở ngại trong công tác nghiên cứu hải dương của các nhà khoa học Việt Nam,
Hợp tác- Triển khai
Lâu nay Việt Nam có chủ trương kêu gọi hợp tác quốc tế và trong thực tế kêu gọi đó được nhiều quốc gia và các tổ chức đáp ứng, giúp đỡ. vực. Ngành môi trường biển cũng được nói đến như là một ngành chủ lực trong toàn bộ nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên theo các nhà hải dương học mà chúng tôi tiếp xúc công tác nghiên cứu của ngành này còn rất nhiều trở lực như trình bày của giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Hải dương học Việt Nam sau đây.
Hiện nay ra ngoài khơi Việt Nam chỉ thực hiện trong các chương trình hợp tác quốc tế hoặc là các đề tài của Nhà nước, nên vấn đề quan trắc ngoài biển khơi cũng gặp rất nhiều vấn đề khó khăn từ đó số liệu không nhiều. Thứ nhất tiềm lực cho nghiên cứu ngoài khơi của Việt Nam rất hạn chế. Thứ hai tàu, phương tiện để đi nghiên cứu những quá trình động lực hải dương, hoặc hóa học hoặc sinh học, môi trường thì mình chưa có những tàu đạt tiêu chuẩn do đó thông thường Việt Nam thường kết hợp với các nước để thực hiện các nghiên cứu. Như vừa rồi Việt Nam có kết hợp với Đức, trước đây với Pháp. Năm ngoái có kết hợp với Nga nhưng cũng rất hạn chế. Thứ ba là hạn chế ở những kế hoạch nghiên cứu lâu dài của Việt Nam chưa có. Việt Nam làm ở những thời điểm nhất định, có điều kiện thì làm; chứ Việt Nam chưa có hoạch định chiến lược nghiên cứu môi trường ở biển khơi như thế nào cả.
Thứ nhất tiềm lực cho nghiên cứu ngoài khơi của Việt Nam rất hạn chế. Thứ hai tàu, phương tiện để đi nghiên cứu những quá trình động lực hải dương, hoặc hóa học hoặc sinh học, môi trường thì mình chưa có những tàu đạt tiêu chuẩn đó
GS Nguyễn Tác An
Đó là ba khó khăn mà chúng tôi thấy làm cản trở việc nghiên cứu môi trường của Việt Nam ở ngoài khơi.
Ts Nguyễn Hữu Đại, trưởng phòng thực vật biển Viện hải dương học Nha Trang có những thừa nhận:
Lâu nay cũng đình đốn lắm: hợp tác với Philippines cũng chẳng đến đâu, với Nhật cũng chẳng đến đâu. Nói chung có những chương trình, dự án đó nhưng hiệu quả không cao. Trừ lĩnh vực quốc phòng chứ còn về khoa học và hải sản thì những hợp tác này chưa đưa lại những hiệu quả cao.
Diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề Phát triển kinh tế biển xanh: Triển vọng và thách thức. Hình ảnh: ThS.Đỗ Ngọc Vinh

Diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề Phát triển kinh tế biển xanh: Triển vọng và thách thức. Hình ảnh: ThS.Đỗ Ngọc Vinh

Tuy nhiên theo giáo sư- tiến sỹ Lê Đức Tố, chủ nhiệm Công trình khoa học về Công nghệ Biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội, thì hợp tác nghiên cứu với phía Philippines là một trong những hoạt động được thực hiện:
Trước đây vào khoảng trước năm 1990 có chương trình hơp tác giữa Việt Nam với Philipines. Đó là lần đầu tiên có sự hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Philippines với chuyến hợp tác xuyên Biển Đông. Từ Manila xuyên qua Biển Đông về đến Nha Trang, Sài Gòn. Duy nhất có chuyến hợp tác đó là mở rộng từ phía đông Biển Đông cho đến bờ biển Việt Nam. Còn hình như lâu nay chưa có chương trình hợp tác nào lớn cả. Còn các chương trình khác của Việt Nam chưa có được qui mô lớn của các nước trên thế giới cũng như các nước khu vực.
Hiện nay Nhà nước có một chương trình cứ năm năm có một chương trình định kỳ điều tra nghiên cứu biển Việt Nam thì chương trình ấy hiện nay rất hạn chế về năng lực vì tiềm lực kỹ thuật của Việt Nam không cho phép mở rộng các chương trình hợp tác rộng rãi. Đồng thời những chương trình có thể đi xa hơn so với những chương trình hợp tác trước đây với các nước. Tôi cũng rất lo lắng và băn khoăn không biết như thế nào đối với ngành khoa học biển Việt Nam. Trung Quốc luôn có những gây rồi mà không biết các anh sẽ gỡ như thế nào, còn chuyện Trung Quốc gây rối ở Biển Đông luôn có.
Yếu tố trở ngại từ Trung Quốc
Như lời giáo sư-tiến sĩ Lê Đức Tố vừa nêu thì một trở ngại gây khó khăn cho hoạt động hợp tác chung giữa Việt Nam và các nước là đến từ phía Trung Quốc. Ông nói rõ thêm như sau
Vùng biển Nha Trang. (nhatrang-dulich.com)
Vùng biển Nha Trang. (nhatrang-dulich.com)
Việt Nam hiện nay đang có những chương trình hợp tác với Mỹ và các nước ở trong khu vực để hiểu sâu hơn các vấn đề về môi trường ở vùng biển Việt Nam. Những hợp tác này hiện nay cũng có những trở ngại vì phía Trung Quốc họ có những gây hấn mà đã nhiều năm nay khiến cho Việt Nam cũng có những khó khăn trong hợp tác quốc tế.
Các chương trình lớn là tiến tới có chương trình Việt Nam hợp tác với Mỹ điều tra lại toàn bộ vùng biển phía nam, dọc bờ biển từ Vịnh Thái Lan cho đến bờ biển dọc khu vực miền Trung. Hiện đang tiến tới phát triển chương trình hợp tác đó. Thế nhưng hợp tác này cũng có khó khăn do phía Trung Quốc gây hấn, gây rối nên chương trình này cũng chưa trở thành hiện thực.
Vì tình hình không ổn định nên phía những quốc gia muốn đến hợp tác với Việt nam cũng ngại ngần, nhất là khi Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng Biển Đông. Giáo sư Lê Đức Tố nhận định:
Về phía Mỹ cũng rất ngại, rất ngại trong việc va chạm với Trung Quốc. Vì thế giới vẫn chưa lường trước được Trung Quốc sẽ hành động như thế nào. Phía Mỹ người ta cũng ngại không biết Trung Quốc sẽ hành động thế nào khi mà hợp tác với Mỹ được triển khai trên thực tế. Đó là ý nghĩ của tôi, trong quá trình làm việc với Nhà nước Việt Nam không nói rõ nhưng Việt Nam cũng có gì băn khoăn trong quan hệ đó.
Chương trình này mà không triển khai được là một tổn thất lớn, không thể hiện được chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển. Không làm rõ được tính chủ quyền của mình, và các nước- trong đó có Mỹ cũng rất phân vân không hiểu hành động của Mỹ như thế nào. Hiện nay các chuyên gia trên thế giới cũng có ý kiến rất khó tin, khó nghĩ trước là người Trung Quốc làm gì. Lý do vì người Trung Quốc nói một đàng làm một nẻo, giống như chương trình hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Trung Quốc đã ký vào cam kết cùng nhau hợp tác nhưng phía họ không phải như thế.
Việt Nam hiện nay đang có những chương trình hợp tác với Mỹ và các nước ở trong khu vực để hiểu sâu hơn các vấn đề về môi trường ở vùng biển VN. Những hợp tác này hiện nay cũng có những trở ngại vì phía Trung Quốc họ có những gây hấn mà đã nhiều năm nay khiến cho VN cũng có những khó khăn trong hợp tác quốc tế.
GSTS Lê Đức Tố
Trước vấn nạn Trung Quốc như trong trình bày của giáo sư- tiến sĩ Lê Đức Tố, gs Nguyễn Tác An cũng bày tỏ mong muốn:
Tôi nghĩ những tranh chấp như vậy sẽ ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu khoa học đối với chúng tôi và những nước khác chứ không chỉ Việt Nam thôi. Sự bất ổn định đó gây khó khăn không chỉ cho khoa học mà nhiều thứ. Do đó chúng tôi cũng như nhiều người mong muốn làm sao bằng cách tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng nhân tính của con người trong mọi hoạt động, nhanh chóng tạo tình hình ổn định không phải cho chỉ một mình Việt Nam mà cho cả các nước. Ngay cả nước đi tranh chấp cũng bị ảnh hưởng chứ không phải chỉ nước bị tranh chấp.
Đề xuất
Trước tình hình với bao khó khăn, trở ngại như bấy lâu nay, những người hoạt động trong lĩnh vực hải dương học tại Việt Nam cũng có những đề xuất với phía Nhà Nước nhằm có thể tháo gỡ khó khăn, giúp tận dụng nguồn tài nguyên biển phong phú của Việt Nam.
GS Nguyễn Tác An cho biết
Tất nhiên những người làm công tác khoa học như chúng tôi có đề xuất nhiều lần. Nhưng như anh biết ở Việt Nam hiện nay có nhiều việc quan trọng, do đó những người làm công tác khoa học như chúng tôi chấp nhận có điều kiện như thế nào thì làm thật tốt trong điều kiện đó. Chứ còn đòi hỏi như trình độ tiên tiến tại các nước mà trước đây nơi chúng tôi đã học thì rất khó. Mình phải tùy theo hoàn cảnh cụ thể để giải quyết những công việc mà mình cho rằng có ích lợi đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Vấn đề nghiên cứu hải dương học hiện nay gặp khó khăn có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế biển. Hiện chúng tôi đang có những kiến nghị: một phải tổ chức hợp tác kinh tế mạnh lên, thứ hai là tăng cường đầu tư để Việt Nam có thể tự lực. Thế nhưng trong tình hình chung hiện nay chưa có mô hình hợp tác nào mà có hiệu quả cả. Đó là vấn đề cũng đang trăn trở.
Gs-TS Lê Đức Tố cũng góp thêm lời:
Các nhà khoa học Việt Nam đã có nhiều đề xuất với Nhà nước rồi. Chương trình nghiên cứu về nguồn lợi sinh học, các chương trình nghiên cứu về môi trường, các chương trình điều tra về khoáng sản trong đó có dầu khí.
Riêng tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại thì nêu ra những việc cần làm cụ thể trước mắt giúp bảo đảm cuộc sống cho ngư dân là đối tượng trực tiếp khai thác nguồn lợi hải sản, tài nguyên biển để phục vụ cuộc sống của bản thân và đóng góp cho sự phát triển của đất nước:
Để phát triển tài nguyên biển khai thác xa bờ thì phải có một đội ngũ đánh bắt với phương tiện hiện đại. Có vốn đầu tư phương tiện hiện đại để ngư dân có đủ điều kiện đánh bắt xa bờ, thì mới tăng tiềm lực về xuất khẩu hải sản. Còn gần bờ thì phải có những chiến lược quản lý tốt ô nhiễm môi trường, du lịch, sinh thái. Rồi phát triển nghề nuôi đẻ những sinh vật biển và phát triển chúng một cách bền vững. Chỉ có hai cách làm như thế mới có thể phát triển về tài nguyên sinh vật biển của Việt Nam. Vừa xa bờ, vừa ven bờ. Ven bờ thì phải quản lý hệ sinh thái cho tốt, quản lý bằng thực tế chứ không phải bằng hô hào, khẩu hiệu suông. Các đề tài, dự án phải thực tế, sát thực tế mà làm. Không thể là những đề tài, dự án viết trên giấy, nói qua nói lại, rồi để đó và nói thành công rồi thì tôi thấy xa vời lắm. Từ thực tiễn cho đến nền khoa học của mình xa rời thực tế lắm. Nói chung là lý luận, lý thuyết nói một đường mà không phù hợp thực tiễn. Phát triển thì rất là chậm mà nguy cơ càng ngày càng xấu đi.
Các chuyên gia thuộc lĩnh vực hải dương học, trong hai chương trình Khoa học- Môi trường vừa qua cho chúng ta thấy một hiện trạng của Việt Nam khi nghiên cứu, đánh giá tiềm năng môi trường biển để bảo tồn, phát triển phục vụ người dân trong nước.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.

No comments :

Post a Comment