Tuesday, April 29, 2014

• Dịch sởi cho thấy những bất cập trong tiêm phòng dịch


000_TS-Hkg9725958.jpg
Các gia đình có con cái bị bệnh sởi tại một bệnh viện nhà nước ở Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 2014.
 AFP PHOTO
Việt Hà, phóng viên RFA

Bùng phát dịch sởi mới đây tại Việt nam đã cho thấy nhiều bất cập trong vấn đề tiêm phòng dịch nói chung ở Việt Nam, từ vấn đề số lượng, chất lượng thuốc, đến tuyên truyền, cung cấp thông tin và điều quan trọng nhất là niềm tin của người dân vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Hết vaccine vì dịch

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, đọc báo mạng thấy thông tin về khả năng dịch sởi xuất hiện tại Việt Nam, chị Diệp, một bà mẹ có con nhỏ 20 tháng tuổi ở Sài Gòn, quyết định ẵm con đi tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên cho bé.
“Đến cuối tháng 12 mình đọc báo trên mạng thì lần đầu tiên  mình thấy dịch sởi có nguy cơ bùng phát. Lúc đó chỉ có mấy chục em thôi, nhập viện vì sởi. Mình sợ quá mình thấy nó chưa tiêm thì kệ ẵm nó đi tiêm đại đi.”
Chị Diệp không phải là người mẹ hiếm hoi vộ vã đưa con đi tiêm sởi thời gian qua, bởi những tháng sau đó, nhiều bà mẹ ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam cũng đổ xô đi tiêm vaccine sởi cho con vì lo ngại con bị nhiễm sởi do dịch đang lan tràn. Một số phụ huynh cho biết vaccine sởi đã cạn tại nhiều bệnh viện, trong khi dòng người xếp hàng đi tiêm vaccine phòng sởi vẫn ngày một nhiều.
Không những lo đi tiêm sởi, các các phụ huynh cũng tích cực đi tiêm các mũi vaccine khác theo khuyến cáo cho trẻ, nhưng vì nhu cầu tăng cao, Việt Nam dường như đang phải đối mặt với tình trạng cạn nguồn vaccine.  Chị Diệp cho biết, sau khi đưa con đi tiêm vaccine sởi vào tháng 1, chị tiếp tục đưa con đi tiêm phòng quai bị, tiêm mũi vaccine 6 trong 1 nhưng cơ sở tiêm dịch vụ cho biết họ đã hết sạch các vaccine này và hẹn chị chờ cho đến cuối tháng 4.
Từ tháng 2 vừa rồi mình muốn đi tiêm ngừa quai bị cho thằng bé mà nó kêu hết thuốc rồi, nó kêu đợi giữa tháng 4 gọi lại, mình gọi lại cũng chưa có thuốc luôn.
-Chị Diệp
“Từ tháng 2 vừa rồi mình muốn đi tiêm ngừa quai bị cho thằng bé mà nó kêu hết thuốc rồi, nó kêu đợi giữa tháng 4 gọi lại, mình gọi lại cũng chưa có thuốc luôn. Chờ cuối tháng 4, thuốc 6 trong 1 giờ cũng không có thuốc mình vẫn đang chờ, dù thuốc đó mình phải trả tiền. Mình không hiểu tại sao luôn.”
Báo Người Lao Động hôm 25 tháng 4 đưa tin cho biết nhiều bệnh viện và cơ sở tiêm chủng nói họ đã hết vaccine tiêm phòng sởi, quai bị và Rubella cho nhu cầu tiêm dịch vụ.
Thường trẻ được tiêm mũi 6 trong 1 theo chương trình dịch vụ (tức là tự trả tiền) để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, các bệnh gây ra do vi khuẩn Hib, đặc biệt là viêm màng não mủ.
Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn có đủ nguồn vaccine để tiêm phòng cho trẻ. Trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia được tiêm miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, báo Người Lao Động  hôm 25 tháng 4 trích lời ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm Bộ Y tế cho biết các loại vaccine 6 trong 1 và 5 trong 1 và vaccine thủy đậu là những loại vaccine không thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ sở tư nhân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 25 tháng 4, đã có hơn 7.000 ca nhiễm sởi trên cả nước với 133 trường hợp trẻ tử vong do sởi. Ngay tại Sài gòn, tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.400 ca mắc sởi, trong khi con số này vào năm 2013 chỉ là 400 ca.
Trong khi dịch sởi vẫn chưa được khống chế, mới đây bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho báo Dân Trí biết vaccine ngừa bệnh thủy đậu đã cháy hàng từ cuối năm 2013, trong khi đó đã xuất hiện một vài ca trẻ nhỏ và người lớn phải nhập viện vì bị thủy đậu.

Lo ngại không dám tiêm vaccine

000_Hkg9725959-250.jpg
Một gia đình có con nhỏ bị bệnh sởi tại một bệnh viện nhà nước ở Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 2014. AFP PHOTO.
Dịch sởi bùng phát cũng đồng thời đặt ra vấn đề về tâm lý lo ngại của nhiều người đối với việc tiêm vaccine ở Việt Nam. Chỉ đến khi dịch sởi bùng phát với số lượng các ca biến chứng, tử vong cao hơn so với các năm, những phụ huynh như chị Diệp mới cấp tập đưa con đi tiêm phòng các mũi vaccine mà đáng ra con họ phải được tiêm từ trước đó rất lâu. Đơn thuần như mũi tiêm phòng sởi, theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ cần được tiêm khi 9 tháng tuổi.
Giải thích lý do chần chừ không tiêm chủng cho con, chị Diệp nói:
“Mình thấy đúng ra là tiêm phòng mà như bây giờ khi dịch bùng phát thì ai cũng sợ, ai cũng đưa con đi tiêm phòng hết, nhưng phải nói là thuốc có đảm bảo chất lượng hay không. Mình đọc trên mạng nhiều nguồn tin bảo vaccine tiêm cho những đưa bé là vaccine sản xuất trong nước không có đủ tiêu chuẩn hay không đủ chất lượng nên mình cũng hoang mang lắm. Mình thấy ai giờ cũng sợ.”
Tâm lý lo lắng của chị Diệp xuất phát từ những thông tin dồn dập gần đây về những  trường hợp trẻ chết ngay sau khi tiêm vaccine, điển hình là trường hợp ba trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B hồi tháng 7 năm ngoái ở Hướng Hóa, Quảng Trị. Bộ Y tế sau đó giải thích là do tiêm nhầm thuốc. Tháng 4 năm ngoái, báo chí Việt Nam cũng đưa tin về trường hợp rút ruột vaccine tiêm cho trẻ ở một cơ sở tiêm chủng tại Hà Nội, gây lo ngại về chất lượng tiêm vaccine cho trẻ.
Bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia về dịch tễ học, Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, thuộc liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nói về tâm lý lo ngại này của các phụ huynh:
“Gần đây do những vấn đề tai biến vaccine là có thực nên người dân bắt đầu e ngại. Vì những trường hợp tử vong sau tiêm, theo người dân thì là do tiêm vaccine, có thể là ngay sau tiêm, có thể là sau đó một vài ngày thì xảy ra. Những giải thích bên y tế đều do không phải vaccine mà do các bệnh của trẻ làm cho người dân không tin. Còn nhiều vấn đề liên quan nữa liên quan đến tình trạng chăm sóc sức khỏe người dân đặc biệt là vấn đề y tế công, và các điều tra không được rõ ràng thành ra người dân ở trạng thái cho rằng bộ Y tế không nói sự thật về những chuyện đó và họ nghi ngại, nhất là khi có một số ý kiến của lãnh đạo bên Y tế khi giải thích là khi tiêm vaccine thì sẽ có tỷ lệ tai biến nhất định và tỷ lệ chết và cho rằng những cái chết nếu có là không may xảy ra nên giải thích như thế làm người dân càng nghi ngờ.”
Theo bác sĩ Trần Tuấn, người đã có nhiều năm công tác tại Bộ Y tế, chuyên về mảng tiêm chủng, vấn đề chất lượng vaccine cũng có thể là một vấn đề cần phải xem xét, nhất là ở khâu vận chuyển và bảo quản.
“Thuốc thì có một số sản xuất  trong nước với công nghệ nước ngoài, một số là thuốc nhập về. Ví dụ Quivaxem là nhập về. Về mặt chất lượng thì có hệ thống giám sát về chất lượng, kể cả khi quy trình giám sát chất lượng ở nơi sản xuất hoàn toàn đảm bảo, vì công nghệ không phải của Việt nam, máy móc của quốc tế, và quy trình là theo tổ chức y tế thế giới, nên tôi nghĩ quy trình sản xuất không có vấn đề nhiều, nhưng quan trọng là từ khâu sản xuất đến vận chuyển, bảo quản và tiêm cho trẻ thì cần phải xem lại.”
Theo bác sĩ Trần Tuần, sau vụ dịch sởi, Việt Nam cần phải tiến hành một điều tra độc lập để tìm hiểu về tỷ lệ trẻ đã được tiêm chủng mà vẫn nhiễm sởi để xác định hiệu lực bảo vệ thực của vaccine tại Việt Nam.

Tiêm vaccine là cần thiết

Nhìn chung là vaccine an toàn, nếu không chúng tôi đã không tiêm vaccine cho các em. Có rất ít những phản ứng mạnh từ vaccine, ngoài những phản ứng cục bộ như bị sưng ở chỗ tiêm.
-BS Claudi Vellozzi
Vấn đề tử vong sau tiêm vaccine trên thế giới là điều có thể xảy ra, tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, việc tiêm phòng đúng sẽ rất khó dẫn đến các trường hợp tử vong như đã xảy ra ở Hướng Hóa, Quảng trị. Bác sĩ Claudi Vellozzi, Phó Giám đốc văn phòng về an toàn vaccine của Cơ quan phòng chống và kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) khẳng định vaccine cho trẻ là an toàn:
Nhìn chung là vaccine an toàn, nếu không chúng tôi đã không tiêm vaccine cho các em. Có rất ít những phản ứng mạnh từ vaccine, ngoài những phản ứng cục bộ như bị sưng ở chỗ tiêm. Ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, một số các phản ứng mà các em có thể có và chúng tôi thấy là đôi khi có sốt, đôi khi sốt dẫn đến co giật và làm cha mẹ lo lắng. Nhưng đó chỉ là những phản ứng tạm thời và chúng tôi đã nghiên cứu về sự an toàn của vaccine.”
Không những thế, việc tiêm vaccine có thể giúp giảm đáng kể những ca tử vong do bệnh dịch ở trẻ trên thế giới. Thống kê của WHO cho thấy tiêm phòng sởi trên toàn thế giới đã góp phần làm giảm 78% số ca tử vong do sởi từ năm 2000 đến 2012.
Nói về dịch sởi bùng phát ở Việt Nam thời gian qua, Bác sĩ Takeshi Kasai, trưởng đại diện WHO ở Hà Nội cũng khẳng định, nếu mức độ bao trùm của tiêm phòng sởi cao thì dịch sởi đã không xảy ra.
“Một lần nữa phải nói rằng sởi là bệnh lây nhiễm nhanh, dễ dàng từ người sang người bất chấp chúng ta có công cụ hữu hiệu là vaccine, đây là một trong các nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ nhỏ. Cho nên điều quan trọng nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine đủ cao thì dịch đã có thể tránh được.”
Theo Bộ Y tế thì có đến 80% trường hợp trẻ nhiễm sởi trong vụ dịch đang xảy ra là do không được tiêm phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ hai mũi phòng sởi.
Dịch sởi đã làm nhiều phụ huynh trước đó còn e ngại với việc tiêm vaccine, quay lại với tiêm vaccine. Chị Diệp đã đem con quay lại với lịch trình tiêm chủng vaccine mà đáng ra bé đã phải theo từ trước đó nhiều tháng. Với chị, việc tiêm phòng cho bé lúc này là một cách chị trả tiền để lấy sự yên tâm và chị đã có phần nào yên tâm hơn. Tuy vậy, chị vẫn mong có được nhiều thông tin hơn về các loại vaccine tiêm cho trẻ, nhất là khi dịch sởi đã bắt đầu xuất hiện nhiều tại Sài Gòn.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.

1 comment :