Thursday, May 29, 2014

• Ba chị em mồ côi tự nuôi nhau ở Quảng Bình


3 chị em Trương Thị Huyền ( lớp 9) Trương Thị Trang (lớp 7), Trương Thị Hoài Thu (lớp 3) ở thôn Gia Tịnh, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thắp nhang lên bàn thờ ba mẹ
3 chị em Trương Thị Huyền ( lớp 9) Trương Thị Trang (lớp 7), Trương Thị Hoài Thu (lớp 3) ở thôn Gia Tịnh, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thắp nhang lên bàn thờ ba mẹ
Courtesy truongtoc.vn
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Thôn Gia Tịnh, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là một vùng núi xa xôi, nghèo khó, có ba chị em mồ côi nuôi nhau trong cảnh cơm cháo qua ngày.
Căn nhà nhỏ hẹp với ba cái bàn thờ
Bà con ở thôn Gia Tịnh ai cũng biết và thương cảm cho hoàn cảnh của các em. Những em nhỏ gầy gò nhỏ nhắn trong một căn nhà nhỏ hẹp có tới ba bàn thờ, một của ba, một của ông nội, một của mẹ vừa qua đời hôm tháng Giêng. Nhìn quanh nhà chỉ thấy một cái giường bên trong cho em ngả lưng, một miếng đất bé xíu cho em trồng rau bên ngoài:
Cháu là Trương Thị Huyền, cháu học lớp Chín. Khi ra bên ngoài họ nói con học Lớp Sáu Lớp Bảy thôi, thực sự là con học Lớp Chín. Bé thứ hai là Trương Thị Trang, bé thứ ba là Trương Thị Hoài Thu. Hoài Thu được chín tuổi rồi.
Ba của các em, một bộ đội, mất vì tai nạn xe cộ tám năm trước. Ông nội cũng qua đời sau đó ít lâu:
Ba cháu mất 8 năm thì mẹ cháu mất. Mẹ mất bữa đưa ông Giáp. Mẹ đi bán hàng ngoài chợ về, xong rồi đi đưa ông Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng ở Quảng Trạch. Ngày nớ là ngày 13 tháng Chín năm 2013, trên đường về thì mẹ bị tai nạn, mẹ cháu đi xe máy bị chiếc xe ô tô đâm vào. Mẹ chết đến giờ phía xe ô tô vẫn chưa đền bù chi hết.
Cái chết của mẹ đẩy Huyền, Trang và Hoài Thu, đang ở độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới, vào cảnh lẻ loi, cô quanh. Trương Thị Huyền cố gắng chăm hai em có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Bà con chòm xóm có giúp được thì chỉ tí chút vì nhà nào cũng nghèo.
Hiện tại 3 chị em Huyền còn phải cưu mang thêm người chị cùng cha khác mẹ, bị bệnh bại não nằm một chỗ 18 năm nay.
Hiện tại 3 chị em Huyền còn phải cưu mang thêm người chị cùng cha khác mẹ, bị bệnh bại não nằm một chỗ 18 năm nay.
Thế nhưng số phận hẫm hiu không ngừng gõ cửa căn nhà bất hạnh đó, đúng ra là tác động vào đời sống của Huyền tức cô chị lớn:
Ba mẹ mất và ông nội mất thì cháu bị phát hiện bệnh tim bẩm sinh. Cháu cứ xỉu đồ chi rứa…
Chị Trương Thị Thân, cô ruột của Huyền, Trang và Hoài Thu, là người lo lắng chạy vạy đưa Huyền đi điều trị ở bệnh viện:
Mà đưa xuống bệnh viện thì họ cứ biểu là bé Huyền bị bệnh về tâm lý, do bố mẹ mất nên bé Huyền suy nghĩ nhiều và hay bị ngất vậy chứ không có bệnh gì cả.
Đến khi xin về nhà thì bé Huyền đi học. Buổi đi học đó bé Huyền lên lớp lại bị ngất, tự nhiên ngã lăn đùng ra xong bị bất tỉnh luôn. Em xin xuống bệnh viện Bố Trạch xong xin chuyển vào bệnh viện trung ương Huế. Khám và điều trị trong Huế thì họ biểu bé Huyền bị van tim bẩm sinh, một tháng phải đi kiểm tra một lần thì mới đỡ.
Từ khi về nhà thì bé Huyền cũng vẫn hay bị ngất xỉu, một cái nhà nhỏ mà ba góc là bá cái bàn thờ, chỉ một cái giường nằm thôi, vào trong nhà thì bé Huyền cứ sợ sệt cho nên là nó cứ lăn đùng xuống nên là em không dám cho về, phải chuyển về ở cùng em, cứ một tháng là em đưa vô bệnh viện Huế kiểm tra một lần.
Hàng ngày cả ba chị em Huyền đều đi học, trường của Huyền ở cách nhà đến bảy cây số, phương tiện di chuyển duy nhất của ba chị em là chiếc xe đạp:
Trời nắng thì dậy muộn một tí mà trời mưa thì phải dậy khi trời còn tối tề. Một xe đạp của cả ba chị em, ngày mô có xe đạp thì đi, còn hư xe đạp là phải về sớm hơn để đi bộ.
Ở trường, Huyền kể, em chỉ là học sinh tiên tiến, còn Trang và Hoài Thu thì mới được gọi là học sinh giỏi:
Vì nhà cháu ở xa lắm, tối thì ba chị em cứ một chắc (kèm nhau) học rứa chứ không có ai kèm thêm.
Tụi con đi học thì trước mắt chưa phải trả tiền học, nhà con thuộc dạng hộ nghèo. Bình thường thì cháu đi học buổi sáng thì em thứ hai ở nhà nấu ăn. Đổi lại buổi chiều cháu ở nhà thì buổi chiều em lại đi học. Cháu với bé Trang học một trường, còn bé Hoài Thu học khác trường. Trường cháu với bé Trang học cách nhà khoảng bảy cây, cháu với bé Trang cứ chở chắc( chở nhau), có khi lỡ xe hư là phải đi bộ cả hai chị em.
Đi học về là cháu nấu cơm cho em, giặt giủ áo quần, mần việc ngoài vườn với lại chăm chị bé Linh nữa.
Chị bé Linh mà Huyền vừa nói, bảo em phải chăm tức đút cho ăn và rửa ráy cho chị, là ai? Đó là một cô gái 18 tuổi bị bại não, chị cùng cha khác mẹ của Huyền, Trang và Hoài Thu:
Chị bé Linh bị bệnh bại não từ lúc mới sinh ra, nằm 18 năm rồi. Cháu cứ nấu cơm cho chị và đút cho chị ăn, rồi trông chị, rửa mặt rửa mũi cho chị. Chị biết đó đều chị không nói được, chỉ nằm một chỗ.
Sức chịu đựng đáng nể ở một cô bé
Thanh Trúc chắc là có rất nhiều người sẽ không chịu được cảnh sống đạm bạc, đơn chiếc, vất vả như ba chị em mồ côi ở thôn nghèo Gia Tịnh này. Huyền thì khác, hình như cuộc sống khó khăn dạy cho em sức chịu đựng, khiến em trưởng thành hơn và khôn ra trước tuổi:
Cháu thấy như rứa là quá khó khăn luôn nhưng mình cũng cố vượt qua.
Em thú thật đã rất nhiều khi em mơ ước được thoát ra khỏi cảnh sống nghiệt ngã như vậy, nhưng :
Nhiều khi suy nghĩ thì con cũng muốn như rứa, đều vì cuộc sống mình đâu có vất bỏ được đâu cô, dù khó đến mấy cũng phải vượt lên, lo cho cuộc sống sau này, em út con sau này. Hàng xóm thì cũng thương tụi con, cũng mới được xã hội, các bạn đóng góp cho bọn con được một cái sổ tiết kiệm.
Con chả có cái gì vui cả, đêm nào nằm suy nghĩ con cũng muốn thoát khỏi cái gia đình nhưng mình chả rời được. Nghèo thì con không nói nhưng mà thà nghèo mà có ba có mẹ còn hơn cô nạ. Ba mẹ mất thì cũng là con, con phải nghĩ là tạo dựng cho em và con chứ không biết nói cái chi nữa.
Những lúc buồn bã cô đơn đó Huyền cũng không thể quên mình còn người chị bại não là bé Linh đang nằm liệt một nơi và cần em chăm sóc:
Vì chị là giọt máu của mình làm răng mình quăng được mô cô.
Những lời lẽ đầy trách nhiệm này không dưng tự suy nghĩ trẻ thơ mà có được. Ý chí phấn đầu và niềm tin vào cuộc sống bắt đầu từ lúc gia đình Huyền được những sự giúp đỡ quí báu từ xã hội:
Mình thấy mình khó khăn như rứa mà nhìn lại ngoài xã hội thì còn nhiều người khó khăn hơn mình nữa.
Thoạt tiên, một bài báo về ba chị em Huyền trên tờ Dân Trí đã giúp mọi người hảo tâm biết hoàn cảnh cơ cực của gia đình các em. Mới đây thôi, câu chuyện về ba em lại được đưa lên chương trình Trái Tim Đồng Cảm của đài truyền hình trong nước. Cô ruột Huyền, bà Trương Thị Thân, cho biết vì Huyền chưa đủ tuổi nên bà phải đại diện đứng ra nhận sự tài trợ và ký quĩ để dành cho các em sử dụng lúc cần:
Bài báo này phát từ trong năm, sau này có các người tài trợ họ gởi về theo địa chỉ của em để điều trị cho bé Huyền và lo cho mấy đứa nhỏ. Từ hôm bữa điều trị cho bé Huyền tới giờ là hết 49 triệu. Còn 100 triệu thì em giữ nguyên em gởi ngân hàng mang tên bé Huyền. Bởi vì bé Huyền còn nhỏ và em là người bảo trợ, thí dụ có việc gì thì em là người đứng ra để đi lo.
Tâm sự với Thanh Trúc, ước vọng của Huyền luôn bao gồm cả tương lai của hai em Trang, Hoài Thu cũng như người chị tàn tật là bé Linh:
Mấy chị em cháu vẫn có ước nguyện đi học sau này biết cái chữ, có nghề có nghiệp để cuộc sống sau ni nữa. Con chỉ thích cả ba chị em con sau này đều có tương lai để còn lo cho chị mình nữa. Cô con giờ thì ba con mà nhà cũng chưa có, chỉ thuê nhà trọ ở thôi à. Còn ông ngoại thì già rồi, ở cách con một con sông tề. Bên ông ngoại con nghèo mà bên o con cũng nghèo, chẳng có ai khá giả hết.
Đó là những người Huyền muốn trả ơn, chưa kể những mạnh thường quân đã giúp đỡ chị em của em có một cuộc sống tương đối đỡ cơ cực như ngày hôm qua.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi, câu chuyện ba chị em mồ côi ở Quảng Bình nuôi nhau, đến đây tạm ngưng, Thanh Trúc xin hẹn lại quí vị tối thứ Nam tuần tới

No comments :

Post a Comment