
Dự án phân loại rác tại nguồn (Dự án 3R) đã không mang lại kết quả như mong đợi (ảnh chụp tại phường Thành Công, Hà Nội).
Courtesy xaluan.com
Gia Minh, biên tập viên RFA
Phân lọai rác tại nguồn từng đuợc giới thiệu, thử nghiệm tại Việt Nam từ chục năm qua. Thế nhưng đến nay công tác này vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng một cách thường xuyên. Thực trạng và nguyên nhân của tình trạng này thế nào? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
Nổ lực
Vào cuối tuần qua, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị thành phố Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải phòng, hai đơn vị tiến hành thực hiện thí điểm tuyên truyền và khuyến khích 300 hộ dân tại tuyến đường Độc Lập, phương Tân Thành, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh tổng kết đợt thử nghiệm mới phân loại rác tại nhà ở đó. Đợt họat động này kéo dài trong vòng 4 tuần từ ngày 21 tháng 12 năm ngóai cho đến chủ nhật 19 tháng giêng vừa qua.
Ngòai hai đơn vị vừa nói, chiến dịch thử nghiệm mới này có sự tham gia của chừng 20 tình nguyện viên. Họ là những nguời đến tại các hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn cũng như kiểm tra việc bỏ các lọai rác khác nhau vào trong các bao khác nhau được đơn vị tổ chức cung cấp.
Cô Thanh Ngân, một tình nguyện viên và cũng là người phụ trách liên lạc với báo giới trong đợt vừa qua cho biết đánh giá cũng như qui trình làm việc trong đợt thử nghiệm vừa qua tại tuyến đuờng Độc Lập, phường Tân Thành, huyện Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Sau tuần đầu tiên đã thấy được kết quả rất tốt rồi tại vì hộ dân rất nhiệt tình làm theo hướng dẫn. Mình cũng tặng cho họ túi nylon để họ thực hiện phân lọai cho đúng. Với lại sau 1 tuần tình nguyện viên quay lại để giám sát việc phân lọai rác của họ
Qui trình thực hiện cũng đơn giản thôi: sau khi phát túi nylon cho người dân và hứơng dẫn lọai rác nào- hữu cơ, vô cơ, tái chế… Mình cứ để họ tự giác thực hiện, và bên thu gom rác sẽ coi có phân lọai đúng hay không. Đối với những nhà chưa phân lọai đúng, mình lại đưa tình nguyện viên xuống để hướng dẫn lại. Cứ thế lặp đi, lặp lại trong vòng 4 tuần như vậy.
Chương trình do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty Môi trường Đô thị thành phố thực hiện; nhưng mà để thực hiện thành công, có sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương- lực luợng Hội Phụ nữ và Thanh niên của địa phương họ cử người đi để giúp tuyên truyền tốt hơn. Trong quá trình thực hiện họ cũng cùng giám sát vì ở ngay tại địa phương.
Hiệu quả thấp
Đây không phải là lần đầu tiên họat động phân lọai rác ngay tại hộ gia đình được triển khai tại Việt Nam mà công tác này từng được thí điểm tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh cả chục năm trước đây. Còn tại Hà Nội giai đọan một của Sáng kiến 3R (Reduce- Reuse- Recycle- Giảm thiểu- Tái sử dụng- Tái chế) được tiến hành từ năm 2007 đến năm 2009. Giai đọan đầu đuợc thực hiện tại các phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ. Dự án này nhận được sự hổ trợ tài chính 3 triệu đô la từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, JICA.
Một cư dân sinh sống tại khu vực phố cổ Hà Nội vào giữa tháng giêng năm 2013 cho biết nhận xét của bản thân anh về họat động phân lọai rác tại nguồn mà anh biết được tại khu vực thủ đô như sau:
Thực tế là có nhưng chưa được áp dụng rộng rãi lắm. Rác ở Hà Nội đa phần người dân vẫn bỏ chung vào một giỏ rồi thả lên xe chở rác, chứ ít ngưòi phân lọai, ít người có ý thức phân lọai lắm.
Như ở khu phố tôi ở không có hỗ trợ gì, chỉ có tuyên truyền qua loa đài, TV. Trong chiến dịch chỉ kéo dài chừng 1 tháng. Nhưng ai áp dụng, ở đâu áp dụng người ta cũng không để ý. Người ta chỉ chú ý đến báo cáo thôi!

Các loại rác được phân loại tại đầu nguồn thành bốn loại khác nhau: rác giấy, rác nhựa, rác kim loại và rác khác. SGTT
Hệ thống siêu thị Co-Op Mart ở Sài Gòn sau một thời gian thử nghiệm cũng đã triển khai công tác phân lọai rác tại nguồn kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2012. Tại một số vị trí của siêu thị có đặt hai lọai thùng rác màu xanh và màu xám tro. Thùng màu xanh để bỏ rác thải hữu cơ và thùng màu xám tro bỏ chất thải vô cơ.
Thành phố Hội An, một thành phố cổ- di sản văn hóa thế giới từ hồi cuối năm 1999 là nơi cũng triển khai công tác phân lọai rác tại nhà từ tháng 11 năm 2012. Vì nhỏ với qui mô chừng 90 ngàn dân sinh sống tại 9 phường và 4 xã nên công tác phân lọai rác tại nguồn khi triển khai được cho là thuận lợi hơn ở những nơi khác. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đánh giá chính xác về họat động này.
Khó khăn
Riêng tại những nơi khác sau một thời gian làm thí điểm, hô hào và hổ trợ bao bì, phương tiện cho người dân bỏ các lọai rác thải khác nhau- ít nhất là rác vô cơ và hữu cơ riêng ra không lẫn lộn như bao lâu nay; cuối cùng tình trạng vẫn như cũ. Một lý do là sau một thời gian tiến hành chương trình thử nghiệm; sau đó dân chúng không còn được cung ứng các bao bì để bỏ rác khác nhau thì họ lại dùng mọi phương tiện có sẵn để chứa tất cả rác thải trong nhà trước khi bỏ ra ngòai cho đơn vị thu gom lấy đi.
Một điều khiến người dân không mặn mà với việc phân lọai rác là khi các đơn vị thu gom, nhất là các đơn vị dân lập, họ lại bỏ chung các thứ đã phân lọai với nhau.
Ông Lê Văn Khoa, nguyên giám đốc Quỹ Tái chế thành phố Hồ Chí Minh, hiện là một giảng viên về môi trường tại đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, nói về những khó khăn trong công tác phân lọai rác tại gia đình ở Việt Nam như sau:
Chưa làm được. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thử nghiệm tại một số quận mà thôi chứ không triển khai tòan thành phố. Khó là về tài chính và nhận thức của cộng đồng. Cơ quan chức năng phải thực hiện thì người dân mới làm chứ!
Hưởng ứng của thanh niên
Bản thân những nguời như cô Thanh Ngân rất hăng hái tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, theo cô này thì những tình nguyện viên của đợt tuyên truyền, vận động nguời dân tại tuyến đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú vừa qua là những sinh viên đang còn đi học. Ngòai giờ học họ tham gia các phong trào bảo vệ môi sinh trong thành phố.
Ca sĩ Hà Okio, người từng làm đại sứ cho chiến dịch 3-R tại Hà Nội hồi năm 2007 và tham gia những chiến dịch môi trường khác cho biết nhận xét của bản thân anh về những chiến dịch mà anh tham gia dù rằng bản thân những người trẻ như anh rất nhiệt tình:
Thực ra tôi nhận làm vai trò đại sứ của những chiến dịch về thay đổi khí hậu tòan cầu rồi Giờ Trái Đất, tất cả những chiến dịch liên quan đến bảo vệ môi trường, vai trò của tôi cũng giới hạn thôi chứ không có được nhiều quyền hành. Tôi chỉ đại diện để tuyên truyền, chứ còn thực hiện đến đâu thì tôi cũng không nắm đuợc.
Tôi thấy những chương trình như thế ở Việt Nam lúc này năm nào cũng có; tuy nhiên qui mô nhỏ, chiến dịch ngắn lý do có thể là kinh phí.
Giới trẻ rất sẵn sàng, dấn thân, lăn xã đi làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội. Người tổ chức thì họ muốn làm nhưng chưa được sự ủng hộ ở trên. Họ chưa ‘connect’ được với nhau.
Năm nay tôi sắp làm cho chương trình Giờ Trái Đất…
Năm nào số lượng bạn trẻ đăng ký rất nhiều và hào hứng, còn người dân thì vì lo cuộc sống cơm áo, gạo tiền nên chưa thể nghĩ đến việc ‘give back’ cho cộng đồng.
Phải làm sao hợp tác với nhau để các chiến dịch dài và sâu rộng hơn.
Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.
No comments :
Post a Comment