Sunday, February 2, 2014

• Những tồn tại- thách thức và ước mong cho môi trường tự nhiên ở Việt Nam


Tác phẩm Sếu về tổ của Tang A Pau ảnh tham gia triển lãm bảo vệ môi trường cho Cát Tiên
Tác phẩm Sếu về tổ của Tang A Pau ảnh tham gia triển lãm bảo vệ môi trường cho Cát Tiên
Photo by Tang A Pau
 Gia Minh, biên tập viên RFA,

Tạp chí Khoa học- Môi truờng tân xuân Giáp Ngọ hôm nay gửi đến các bạn quan tâm ý kiến của  hai nhà hoạt động môi trường nói về thành quả đáng chú ý, cũng như những tồn tại- thách thức và ước mong của họ cho một môi trường tự nhiên tốt hơn ở Việt Nam.
Thành quả đáng chú ý
Bảo vệ  môi trường là công tác được hô hào khá nhiều trong những năm qua. Không chỉ những nhà họat động, các tổ chức môi trường mà các cơ quan chức năng liên quan cũng có những chương trình, hành động vì môi trường; nhất là khi mà những tác động bất lợi tự việc phá họai môi sinh đang dẫn đến những thiệt hại nhãn tiền không thể nào chối bỏ.
Trong năm qua, một trong những thành quả về công tác đấu tranh không để môi trường tự nhiên tiếp tục bị phá họai là quyết định của chính phủ cho ngưng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A trên dòng chính sông Đồng Nai đọan chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Ông Nguyễn Hùynh Thuật, người khởi xướng phong trào Cứu Vườn Cát Tiên, nói lại điều này:
Hai dự án (thủy điện) Đồng Nai 6 và 6A mà người ta đề xuất ở trong Vườn Quốc gia Cát Tiên ở phía nam. Cuối cùng hai dự án đó đạ bị lọai bỏ để không đưa vào thực hiện. Đó là một điều rất thành công
Nhà họat động Ngụy Thị Khanh
Thành công của nhóm là nhóm đã tập hợp được những nhân sĩ, trí thức và những người quan tâm đến bảo vệ môi trường; đặc biệt họ dành tâm huyết, phản biện cho Cát Tiên nói riêng và thiên nhiên cả nước nói chung, thông qua những bài viết về thiên nhiên, về Cát Tiên, rồi thông qua những đợt triển lãm. Rất nhiều nhiếp ảnh gia bỏ công sức, bỏ tiền đến nằm rừng, nằm ở Cát Tiên để có những bức ảnh tuyệt đẹp nói lên giá trị mà thiên nhiên ban tặng. Nhiều người chưa hiểu được giá trị đó.
Nhà họat động Ngụy Thị Khanh, chuyên viên điều phối của Mạng lưới Các Dòng Sông, cũng đồng ý việc dừng lại hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A được xem là thành quả đáng nói đến trong năm qua thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Việt Nam:
Bản đồ vị trí dự tính xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Bản đồ vị trí dự tính xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Trong năm 2013 vừa rồi thì họat động bảo vệ nguồn nước cũng như bảo vệ các dòng sông và môi trường thì bên đơn vị chúng tôi tham gia cùng các tổ chức khác cũng làm được một số công việc mà mình thấy hài lòng. Thứ nhất là đã có ý kiến đóng góp cho một số dự án mà có tính chất nhạy cảm và cũng đã thành công. Đó là hai dự án Đồng Nai 6 và 6A mà người ta đề xuất ở trong Vườn Quốc gia Cát Tiên ở phía nam. Cuối cùng hai dự án đó đạ bị lọai bỏ để không đưa vào thực hiện. Đó là một điều rất thành công.
Lý do gặt hái
Trước đây từng có những kiến nghị được giới khoa học và các nhà trí thức cùng nhiều người dân ký tên kêu gọi ngưng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Lý do được nêu ra rất rõ ràng đó là một dự án gây ra những tác động nguy hại cho môi trưòng Tây Nguyên- nơi đuợc xem có vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam cũng như là nóc nhà của miền xuôi bên dưới. Xây dựng nhà máy khai thác bo xít không chỉ phá vỡ những mảng rừng còn sót lại của Tây Nguyên khiến cho mưa lũ sẽ nặng nề  hơn vì không còn thảm rừng giữ nước lại mà những hồ chứa bùn đỏ của các nhà máy bô xit là những quả bom treo lơ lửng… Thế nhưng vì sao dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên vẫn được triển khai bất chấp những cảnh báo từ giới trí thức khoa học, chứ không như hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A? Ông Nguyễn Hùynh Thuật lý giải về điều này như sau:
Điều này rất tế nhị; thế nhưng giới báo chí là giới thạo thông tin, họ theo dõi thấy rằng dự án bo xít là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, của tổng bí thư hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã ký vào Tuyên bố chung; mà đảng đã chỉ đạo thì chính phủ phải làm rồi. Đó là điều thống nhất ở Việt Nam và ở những nước một đảng như Việt Nam, Trung Quốc. Điều này rất rõ ràng.
Tuy nhiên dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A chưa có quyết tâm chính trị rõ ràng. Cũng như đây chưa phải là chủ trương của Đảng và Nhà nước mà mới là chủ trương của chính phủ mà cụ thể là thông qua các quyết định của các bộ, ngành cũng như qui họach của chính phủ. Khi mà tôi lên tiếng, chính phủ không trả lời và các bộ, ngành chuẩn bị thẩm định đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, một năm sau đó khi đến điểm thông qua đánh giá tác động môi trường, tôi có thư gửi đến chủ tịch nước kêu cứu và chủ tịch nước có phản hồi tâm thư của tôi, và chuyển đến Ủy ban Môi trường của Quốc hội cũng như 4 bộ- ngành liên quan: Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên- Môi trường để xem xét tâm thư của tôi. Sau đó có một làn sóng rất mạnh gồm có tỉnh Đồng Nai, tỉnh ủy Đồng Nai cũng như báo chí tạo nên một làn sóng rất mạnh để phản đối. Đặc biệt các báo gồm Người Lao Động, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Sài Gòn Tiếp Thị. Đây là điều rất tế nhị: thông qua trả lời tâm thư của tôi chủ tịch nước cho thấy không mong muốn làm hai thủy điện đó. Đó là điều thuận lợi, và tỉnh Đồng Nai lần đầu tiên phản đối rất mạnh mẽ, rồi đại biểu quốc hội của Đồng Nai, Sài Gòn lên tiếng…
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng đoàn nghiên cứu Nhật Bản tại Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 10-03-2011.
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng đoàn nghiên cứu Nhật Bản tại Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 10-03-2011.

Thách thức, khó khăn thực sự là tầm nhìn chiến lược. Ở Việt Nam không có một qui họach tổng thể và có một tầm nhìn chiến lược chuẩn mực. Mình cứ vừa làm vừa sửa do tư duy chưa được tốt
Ông Nguyễn Hùynh Thuật
Thách thức- khó khăn
Thành quả đấu tranh cho ngưng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được những nhà họat động môi trường tại Việt Nam xem như là kết quả khiêm tốn bước đầu trong công cuộc bảo vệ môi sinh tại Việt Nam vì đối với họ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Nhà họat động Ngụy Thị Khanh, chuyên viên điều phối của Mạng lưới Các Dòng Sông nói về những khó khăn đó như sau:
Trở ngại lớn nhất là liên quan đến các nội dung sẽ có những đặc thù khác nhau. Nhưng trở ngại để tiếp cận được thông tin một cách chính thức, đầy đủ từ các cơ quan Nhà nước nhiều lúc cũng bị hạn chế. Do đó trong lúc làm việc cũng gặp khó khăn làm sao có được thông tin kịp thời để có những tiếng nói đóng góp cho phù hợp nhất. Nếu như các cơ quan Nhà nước mà tính cởi mở và sự hợp tác không được tốt thì sẽ hạn chế việc tham gia của các tổ chức xã hội, chúng tôi phải tìm nhiều cách khác nhau, hoặc phải mất nhiều thời gian hơn và phải tìm kiếm các nguồn lực để thực hiện công việc của mình. Đó là những trở ngại trong thời gian vừa rồi.
Ông Nguyễn Hùynh Thuật cũng trình bày về những tồn tại trong họat động bảo vệ môi trường tại Việt Nam:
Thách thức, khó khăn thực sự là tầm nhìn chiến lược. Ở Việt Nam không có một qui họach tổng thể và có một tầm nhìn chiến lược chuẩn mực. Mình cứ vừa làm vừa sửa do tư duy chưa được tốt.
Thứ hai vấn đề tham nhũng ở Việt Nam lớn, rồi vấn đề thẩm định đánh giá tác động môi trường, cũng như qui họach thì mức độ công khai, minh bạch chưa được cao, có sự tham nhũng bên trong.
Mong muốn tiếp theo đến đây Việt Nam sẽ chỉnh sửa luật bảo vệ môi trường, trong đó có đánh giá vế tác động môi trường, có đánh giá về môi trường chiến lược. Kỳ vọng là những thay đổi sẽ giúp cho tiếng nói của công chúng, của cộng đồng đuợc xem xét thực sự
Bà Ngụy Thị Khanh
Điều quan trọng là khi có quyết định mang tầm chính phủ rồi thì báo chí không đưa tin. Tiếp theo nữa là mức độ phản biện của nhiều người ở Việt Nam thấp; có thể do tính hệ thống nhưng sức phản biện của các cá nhân cũng như tập thể ở Việt Nam không cao.
Ước nguyện
Tuy còn có những trở ngại lớn như vừa nêu ra; nhưng những người như ông Nguyễn Hùynh Thuật hay chuyên gia Ngụy Thị Khanh đều bày tỏ quyết tâm theo đuổi con đường họ đã chọn với những hoạt động để ước nguyện của họ thành sự thật.
Bà Ngụy Thị Khanh trình bày:
Mong muốn tiếp theo đến đây Việt Nam sẽ chỉnh sửa luật bảo vệ môi trường, trong đó có đánh giá vế tác động môi trường, có đánh giá về môi trường chiến lược. Kỳ vọng là những thay đổi sẽ giúp cho tiếng nói của công chúng, của cộng đồng đuợc xem xét thực sự trong quá trình ra quyết định khi họ triển khai những dự án về bảo vệ tài nguyên nước.
Cá nhân tôi cũng như cơ quan mà tôi đang làm việc là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh là mong muốn giới thiệu với các cộng đồng những giải pháp để vừa bảo vệ nguồn nước vừa có những nguồn năng lượng thay thế, sử dụng nguồn nước một cách có hiệu quả nhất.
Chúng tôi đang triển khai các nổ lực để đưa vào giới thiệu các kế họach năng lượng theo cách quản lý tổng hợp và sẽ có trình diễn ở các cộng đồng cũng như có tọa đàm chính sách cấp quốc gia liên quan đến chủ đề này để thảo luận rộng rãi cho lựa chọn giải pháp nào tốt nhất cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Và việc làm sắp đến của ông Nguyễn Hùynh Thuật:
Hiện bây giờ tôi đang tập trung giúp cho những người trẻ cũng hiểu được mội trường như tôi. Người ta phải hiểu rằng môi trường không phải bên ngòai chúng ta mà chính là ta. Bởi vì con người được tạo thành bởi những yếu tố không phải là con người, đó là đất, nước, rồi không khí, với động- thực vật. Nếu những yếu tố đó bị ô nhiễm hay bị tàn phá thì chính cơ thể, thân tâm của mình cũng bị tàn phá. Muốn bảo vệ mình thì phải bảo vệ những yếu tố không phải là mình mà là môi trường. Theo tôi muốn bảo vệ môi trường thì phải hiểu điều đó. Người ta nói ‘It’s hard to teach an old dog a new trick’; nhưng đối với thế hệ trẻ tôi tin có sự thay đổi và tôi đang tập trung vào chương trình đưa đi tham quan thực tế, giáo dục đạo đức môi trường cho các em học sinh. Chương trình này tôi làm tương đối tốt và có phản hồi tốt. Tôi sắp cho xuất bản tác phẩm ‘Cát Tiên trong Tôi’ để nói lên những phản hồi của các em tham gia chương trình giáo dục đạo đức môi trường tổ chức tại Cát Tiên.
Trong không khí đầu xuân, chúng tôi cầu chúc cho mong ước của những nhà họat động vì môi trường như của bà Ngụy Thị Khanh và ông Nguyễn Hùynh Thuật sớm được như sở nguyện.
Cầu chúc quí thính giả và quí vị một năm mới Giáp Ngọ bình yên, môi trường sống mỗi lúc được trong lành hơn.
Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ  này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

1 comment :

  1. Trồng được một cây sống tới một năm tuổi thì bọn chó đã chặt hết cả ngàn cây người ta trồng cả vài chục năm thậm trí cả trăm năm tuổi rồi ! Cho nên mưa là xói mòn đất, nước lũ tràn về, lũ ống lũ quét làm cho mùa màng thất bát, tài sản hư hao, người chết và mất tích không thể tính xuể . Chỉ những người có chức có quyền là xướng, ngồi mát ăn bát vàng, chỉ tay năm ngón xướng ơi là xướng .

    ReplyDelete