Sunday, March 16, 2014

• Khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà đang bị đe dọa


New-Image333-305.jpg
Khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Courtesy danang.gov.vn
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA

Qui hoạch phát triển đô thị một cách bừa bãi không chú trọng đến công tác bảo tồn tự nhiên lâu nay được xem như là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hủy diệt các loài động và thực vật đặc chủng, quí hiếm của nhiều nơi.
Bán đảo Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng cũng đang trong tình trạng đáng ngại đó với diện tích khu bảo tồn bị thu hẹp và các loài đặc hữu như khỉ, vooc mất nơi sinh sống.
Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Mất rừng

Tiếng là khu bảo tồn, thế nhưng bán đảo Sơn Trà lâu nay đang bị chia cắt làm khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, khu giải trí với những tuyến đường chằng chịt.
Các dự án phát triển được tiến hành trên đất rừng của bán đảo Sơn Trà bị cho đang gây ảnh hưởng lớn cho khu bảo tồn này.
Bây giờ xung quanh ven bán bảo Sơn Tra thành khu du lịch, mấy resort cao cấp lắm. Còn khỉ hồi xưa đi lên núi có thấy.
-Một người địa phương
Truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của ông hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn- Nguyễn Văn Minh nói rằng hệ thống đường sá chạy bao quanh và từ chân lên đến đỉnh núi Sơn Trà đã chia cắt, biệt lập nhiều khu vực rừng nguyên sinh.
Một người dân địa phương tại Sơn Trà nói về tình hình thực tế hiện nay ở đó như sau:
“Hồi xưa có đi núi nhưng bây giờ ít đi lắm. Hồi xưa dân cực phải đi núi, đi củi nhưng họ cấm lâu lắm rồi, cấm mấy chục năm nay rồi. Bây giờ xung quanh ven bán bảo Sơn Tra thành khu du lịch, mấy resort cao cấp lắm. Còn khỉ hồi xưa đi lên núi có thấy.”
Một người khác cũng cho biết các khu du lịch sinh thái, những khu nghỉ dưỡng đắt tiền hiện phục vụ cho các đối tượng có tiền từ nơi khác đến chứ dân chúng địa phương mấy khi được đặt chân đến:
“Nay đi vào đó có hướng dẫn, còn dân đi lẻ chỉ ở phía dưới này thôi, lên trên người ta không cho.
Khu du lịch lớn dân chỉ đi ngang qua chứ đâu có thể đi vào mấy khu đó được.”

Mất động vật đặc hữu

Son_Tra_1-250.jpg
Lực lượng kiểm lâm trong Khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Photo courtesy of danang.gov.vn
Đối với nhiều người dân thành phố Đà Nẵng và cả những lực lượng nước ngoài đến tại khu vực này, thì bán đảo Sơn Trà ngoài tên gọi đó còn được những người ngoại quốc gọi tên là ‘Monkey Mountain’. Lý do vì trên bán đảo Sơn Trà có rất nhiều khỉ.
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu, cựu đại diện của tổ chức bảo vệ môi trường WWF tại Việt Nam, cho biết về các loài động vật đặc hữu tại bán đảo Sơn Trà như sau:
“Nhiều nơi có điều kiện tương tự nhưng không xuất hiện được loài đặc hữu như ở Sơn Trà. Nơi này có thể do trong một thời gian dài tương đối biệt lập nên tồn tại được. Nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học thì số lượng hiện nay không còn nhiều lắm, cho nên phải đưa vào danh sách nhóm nguy cơ khẩn cấp, tức số lượng các thể còn rất hạn chế. Tất nhiên có trong sách đỏ rồi nhưng phải đưa vào danh mục ‘bảo vệ khẩn cấp’.
Thực tế hiện nay do quá trình đô thị hóa, quá trình di dân nông thôn ra thành thị ngày càng nhiều, đầu tư nước ngoài vào khu vực đó cũng nhiều, cho nên môi trường sống của mấy loại đặc hữu này bị thu hẹp dần. Thành ra nói chung các nhà khoa học vẫn lo ngại.”
Tuy nhiên hiện nay, những loài vật đặc hữu như thế trên bán đảo Sơn Trà không còn như trước. Chính ông hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn phát biểu với báo chí rằng tại những khu vực rừng trồng được giao cho các đơn vị kinh doanh du lịch thì khỉ và vooc chà vá hiếm khi xuất hiện.
Ngoài lý do các khu du lịch và nghỉ dưỡng phá hỏng môi trường tự nhiên cho các loài động vật sinh sống, nhiều tay thợ săn lâu nay cũng tìm những loài như khỉ, vooc để bắt kinh doanh kiếm lời.
Có những tin đồn thực sự không có chứng cứ khoa học lắm như công dụng của sừng tê giác hay mật gấu, xương hổ… khiến cho các động vật quí hiếm đi đến chỗ ngày càng tuyệt chủng.
-TS Vũ Văn Triệu
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu nói về tình trạng bắt các loài động vật để phục vụ nhu cầu con người như sau:
“Có những tin đồn thực sự không có chứng cứ khoa học lắm như công dụng của sừng tê giác hay mật gấu, xương hổ… khiến cho các động vật quí hiếm đi đến chỗ ngày càng tuyệt chủng.
Đối với linh trưởng thì chưa có những tin đồn đến mức, hay những bằng chứng cho rằng ăn thịt linh trưởng thì chữa được bách bệnh…; tuy nhiên trong xã hội hiện nay cũng có những tầng lớp đại gia, nhiều khi họ không muốn ăn những thức ăn bình thường, họ muốn tìm cảm giác mạnh hơn như ăn những loài mà người khác không thể với tới được chẳng hạn. Vì thế họ sẵn sàng trả giá rất cao và thợ săn cố gắng có được những cá thể đó, chứ không phải người ta hoàn toàn tin rằng có thể chữa được bệnh nọ, bệnh kia mà nhiều khi những người nhiều tiền họ muốn thể hiện đẳng cấp của họ. Đó gọi là một thị hiếu không lành mạnh lắm!”
Cách thức bắt giữ được cho biết là rất kỹ càng, một khi con vật bị rơi vào bẫy của người đi săn thì không thể nào thoát khỏi. Các kiểm lâm viên tại Hạt Kiểm Lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết những đối tượng săn bắt trái phép tại khu bảo tồn Sơn Trà dùng hai loại bẫy: bẫy đạp và bẫy treo. Bẫy đạp là loại bẫy đặt dưới đất, còn bẫy treo là bẫy thong lọng mắc trên cây. Dây được dùng cho bẫy là loại dây thắng xe đạp làm bằng kim loại rất chắc và nhỏ.
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu cho biết một số biện pháp mà chính quyền đưa ra nhằm có thể ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật hoang dã:

Vooc-Cha-va-250.jpg
Một con Voọc Chà Và tại Khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Photo courtesy of danang.gov.vn
“Về các trại gấu, bên Kiểm lâm người ta đã lần lượt vào niêm phong, gắn chip cho các con gấu. Nay các chủ chỉ tiếp tục nuôi cho khách tham quan, còn nếu luân chuyển hay giết hại gấu sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt. Việc đó có mạnh tay hơn. Ngoài ra bên Kiểm lâm và Cảnh sát Môi trường thỉnh thoảng họ cũng đi kiểm tra đột xuất. Họ cũng có phạt tương đối mạnh tay đối với những chủ trang trại mà nuôi gấu để hút lấy mất nên tình trạng này có đỡ hơn. Ngoài ra Nhà nước có một số khu để cứu hộ gấu để nơi nào mà khai thác quá mức thì cảnh sát có thể cưỡng bức đưa vào đó. Rồi Nhà nước bỏ tiền ra để nuôi phục hồi dần lại. Dần dần nếu có điều kiện thì có thể thả lại vào rừng; chứ còn nuôi nhốt mãi đến khi thả vào rừng có khi cũng chết, không tự kiếm ăn được.
Đối với các loài linh trưởng thì Nhà nước cũng có một số khu cứu hộ. Nếu phát hiện thì cho thu gom, tập hợp lại. Đối với linh trưởng, quá trình để thuần hóa cho trở lại rừng dễ hơn đối với gấu. Gấu bị nuôi nhốt khá lâu rồi, còn linh trưởng mới gần đây thôi.
Ngày trước không có mấy vị nuôi linh trưởng đâu. Nuôi cọp, nuôi gấu thì có.
Thực sự ra số cá thể các loại linh trưởng quí hiếm của Việt Nam không nhiều lắm, thành ra tình trạng nuôi nhốt của các đại gia không phổ biến lắm.”
Đối với những loài linh trưởng có các khu cứu hộ.

Ảnh hưởng môi sinh

Đối với dân chúng tại Đà Nẵng, dù không biết nhiều về khí tượng, thủy văn, nhưng hiện tượng mây phủ Sơn Trà cho họ biết trước thế nào cũng có mưa gió đến. Qua bao đời, họ cho rằng bán đảo Sơn Trà được thiên nhiên tạo nên như là tấm bình phong chắn bớt gió cho Đà Nẵng.
Thực tế phá rừng cho họ thấy một số hiện tượng thay đổi có thể nhận biết như sau.
Một người dân Đà Nẵng trình bày:
“Vịnh để trú mưa bão cho thuyền bè thì ổn, tốt rồi. Mấy năm gần đây mở ra khu du lịch, mở eo rộng ra hơn để khai thác tàu bè vào tránh bão. Về thời tiết gần đây có thay đổi. Bão năm 2006 và gần đây nữa nói chung tàn phá dữ lắm.”
Không chỉ riêng tại khu vực Sơn Trà và ven biển thành phố Đà Nẵng mà nhiều vùng khác nhau tại Việt Nam đang phải đối diện với những đổi thay thời tiết, khí hậu và cả thổ nhưỡng khiến cho hoạt động canh tác, nuôi trồng gặp khó khăn.
Giới khoa học cảnh báo Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu tác động nhiều nhất do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên. Những cảnh báo này được chính quyền đưa vào các kịch bản vạch ra chương trình đối phó. Dân chúng cũng được tuyên truyền. Thế nhưng dường như những cảnh báo như thế vẫn chưa có thể khiến con người dừng tay không tiếp tục xâm hại môi trường vì lý do cuộc sống hiện tại khó khăn.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.

No comments :

Post a Comment