Sunday, March 23, 2014

• Ngày Nước Thế giới năm 2014

WWD_2014_logo-305.jpg
Hình biểu tượng Ngày Nước Thế giới năm 2014.
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA

Vấn đề nguồn nước trên thế giới đang ngày càng khan hiếm, bị ô nhiễm và có thêm nhiều người không thể tiếp cận được nguồn nước sạch dẫn đến bệnh tật, tử vong lại được báo động nhân ngày Nước Thế giới năm nay 2014.
Trong tình cảnh chung đó của Trái Đất, tình hình nước ở Việt Nam ra sao?
Mời quí vị cùng theo dõi đề tài này trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Qua rồi những ‘dòng sông tuổi thơ’!

Đối với nhiều người Việt Nam, tuổi thơ của họ gắn liền với nhiều kỷ niệm cùng với dòng sông, cánh đồng quê hương. Rất nhiều làng mạc, thị trấn, thành phố của Việt Nam được hình thành trên hai bờ của một dòng sông. Nước để giặt giũ, tắm rửa thường được lấy từ sông hồ. Thậm chí nhiều người vẫn lấy nước từ sông về để nấu ăn.
Tuy nhiên hoạt động công nghiệp hóa, đô thị hóa lâu nay ở Việt Nam khiến cho nguồn nước sông bị ô nhiễm , cũng như các nhà cấp nước được thành lập để cung cấp nước sạch cho dân chúng thành phố dùng, nên rất nhiều nơi không còn chuyện ra sông tắm, giặt hay lấy nước về dùng.
Điều này được một cư dân ở Bắc Giang cho biết:
Riêng ở nơi khác em không biết, chứ em sinh ra và lớn lên ở Lạng Giang, Bắc Giang, nay các sông đều ô nhiễm không thể tắm như trước nữa.
-Một cư dân Bắc Giang
“Riêng ở nơi khác em không biết, chứ em sinh ra và lớn lên ở Lạng Giang, Bắc Giang, nay các sông đều ô nhiễm không thể tắm như trước nữa.”
Ai cũng thấy ô nhiễm
Không chỉ người thanh niên ở Bắc Giang cho biết như vừa nêu, mà hầu như người dân Việt Nam tại nhiều vùng miền của đất nước đều nhận thấy tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm trầm trọng đến mức được báo động như là một nguy cơ cho con người.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ đưa ra nhận định về nhận thức chung đó của người dân cũng như các cấp tại Việt Nam, và ông cho rằng đó là một điểm tích cực trong tình hình hiện nay:

IMG_701021032014-250.jpg

Mít tinh hưởng ứng Ngày Nước Thế giới năm 2014 ở Lai Châu hôm 21/3/2014. Courtesy laichau.gov.vn
“Thực ra sự nhận thức về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam đã trở nên khá phổ biến rồi. Tôi đi tham dự nhiều cuộc họp, rồi báo chí người ta cũng đã nêu ra khá nhiều.”
Tuy vậy theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn khoảng cách giữa nhận thức và thực thi các biện pháp giải quyết vẫn còn lớn:
“Nhưng nhất là khả năng giải quyết đôi khi vượt qua khả năng của các địa phương. Bây giờ ngành nước ở Việt Nam, cũng như ở các tỉnh thành  đang nổ lực giải quyết vấn đề này. Đây là vấn đề phụ thuộc nhiều yếu tố vào nguồn tài nguyên còn lại rồi nguồn kinh phí để khai thác sử dụng nguồn nước cho tốt. Rồi năng lực vận hành của cán bộ và cả người dân về nguồn nước tại các địa phương cũng có khác nhau- có nơi tốt, nhưng cũng có nơi không được tốt lắm. Vấn đề phải dần dần giải quyết, chứ giải quyết một lúc trên toàn quốc thì rất khó khăn.”

Muôn vàn khó khăn!

Vậy những khó khăn đó là gì? Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng nêu ra như sau:
“Khó khăn thứ nhất mà chúng tôi gặp là làm sao điều phối nguồn nước cho những nhu cầu khác nhau. Ví dụ nguồn nước cho thủy điện, vì thủy điện tạo ra nguồn điện cho sự phát triển công nghiệp hay sử dụng cho người dân. Tuy nhiên, thủy điện cũng gây ra hậu quả về mặt nông nghiệp, môi trường, dân sinh cũng như sinh thái… Bây giờ làm sao để hài hòa những điều đó là một nhu cầu rất khó- được cái này, mất cái kia. Thực ra bây giờ các nhà khoa học đang tìm cách nghiên cứu qui trình vận hành nào hợp lý nhất mà mọi người có thể chấp nhận được. Tuy nhiên cho đến bây giờ những phương án đưa ra cũng gây nên những tranh cãi khác nhau giữa các nhóm dùng nước khác nhau. Ví dụ như vừa rồi ở Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân của thành phố này không đồng tình với một số dự báo, kế hoạch quản lý nước trong lưu vực Vu Gia- Thu Bồn của Bộ Tài Nguyên- Môi trường. Về những điều này, cần phải đánh giá những mặt được, mặt mất rồi tìm một giải pháp thiệt hại ít nhất . Tuy nhiên chúng tôi thấy đây không phải dễ dàng gì. Sự thiệt hại này cần chia xẻ cho mỗi bên. Cơ chế chia xẻ rủi ro hay chia xẻ quyền lợi ở Việt Nam vẫn chưa được vận hành tốt. Việt Nam chưa có cơ chế nào để xác định về vấn đề này.”
Ngoài khó khăn nội tại trong nước Việt Nam như thế, tình hình các nước lân cận như Lào tiếp tục tiến hành xây dựng những đập thủy điện trên dòng chính Sông Mê Kong cũng là một khó khăn khiến cho Việt Nam- nước ở hạ nguồn phải chịu hậu quả. Lào đã triển khai đập Xayaburi và sắp tới sẽ xây đập Don Sahong. Đó là chưa nói đến những đập thủy điện trên dòng Mê kong chảy qua địa phận Trung Quốc.”

Vẫn còn nghiên cứu

Trong khi đó giới khoa học cho đến nay vẫn cho rằng chưa thể có những kết luận chính xác về các tác động từ những con đập thủy điện thượng nguồn gây ra cho khu vực hạ nguồn.
Các nhà khoa học ở VN cũng như ở ĐBSCL đang thống kê lại tất cả những thay đổi của nguồn nước trong thời gian qua, và dự báo những thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên chúng tôi thấy không phải dễ dàng gì.
-Lê Anh Tuấn
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết về những hoạt động mà viện của ông thực hiện lâu nay:
“Bây giờ các nhà khoa học ở Việt Nam cũng như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đang thống kê lại tất cả những thay đổi của nguồn nước trong thời gian qua, và dự báo những thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên chúng tôi thấy không phải dễ dàng gì, vì còn nhiều điều không được chắc chắn trong dự báo thay đổi nguồn nước của mình, từ tự nhiên cũng như nhu cầu sử dụng nước của con người. Đây là thử thách rất lớn mà chúng tôi phải nghĩ đến trong những tình huống khác nhau. Có những vấn đề mà chúng tôi không kiểm soát được, ví dụ như trong tương lai những nhà máy thủy điện hình thành thì ảnh hưởng ra sao đến bốn nước ở hạ lưu. Đó là vấn đề đau đầu nhất, mà chúng tôi nghĩ mọi người phải xúm lại để giải quyết.”
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Đại học Cần Thơ hiện đang nghiên cứu về sinh thái tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đồng quan điểm với tiến sĩ Lê Anh Tuấn về tình trạng chưa thể có những dữ liệu khoa học chắc chắn đối với nguồn nước tại khu vực này:
“Nhiều người cho rằng có thể đập ở thượng nguồn, hoặc là do rừng cũng có vấn đề, hoặc do tình hính phát triển dân số, không phải ở Việt Nam không thôi mà còn ở thượng nguồn và một số nước khác nữa.”
Ngay đối với tác động của biện pháp đắp đê ngăn lũ tại các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đến nay vẫn còn gây tranh cãi và cơ quan khoa học mà tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm phụ trách đến năm 2016 mới hoàn thành dự án nghiên cứu để có thể đưa ra kết luận chính thức. Ông cho biết:
“Chúng tôi đang có dự án với tỉnh An Giang, nghiên cứu trong ba năm. Chúng tôi mới bắt đầu được một năm nên chưa thể kết luận được gì. Người ta nói như thế nhưng về mặt khoa học phải có đánh giá; tức phải lấy mẫu nước, mẫu phù sa rồi chất lượng đất , nước, đa dạng sinh học…mới có thể có kết luận. Đến cuối năm 2016 chúng tôi mới kết thúc. Hiện tại mới đang nghiên cứu thôi.”
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết một số hoạt động mà Việt Nam triển khai nhân dịp Ngày Thế giới Nước năm nay:
“Tại Lai Châu có tổ chức Ngày Nước Thế giới với chủ đề ‘Nước và Năng lượng’. Chúng tôi sẽ gặp các nhà khoa học ở các nơi để tranh luận về vấn đề này. Tuần sau sẽ có hội nghị bàn tròn để đánh giá những tác động của những đập thủy điện trên dòng chính sông Mê kong đối với đồng bằng Sông Cửu Long. Chúng tôi cần ý kiến của những người khác nhau từ những góc nhìn khác nhau, xem có những giải pháp gì khả dĩ để đề đạt lên các chính phủ cá nước liên quan hay không?”

Thế giới cảnh báo gì?

IMG_702521032014-250.jpg
Mít tinh hưởng ứng Ngày Nước Thế giới năm 2014 ở Lai Châu hôm 21/3/2014. Courtesy laichau.gov.vn
Trang chủ của Ngày nước Thế giới năm 2014 đưa ra những thực tế đáng ngại trên toàn thế giới về nguồn nước sạch: đó là mỗi ngày có hằng triệu người phải đi nhiều giờ đồng hồ mới có thể đến nơi có nguồn nước an toàn. Con số cụ thể là có thể 768 triệu người, tức cứ 1 trong 10 người trên thế giới không thể tiếp cận nguồn nước an toàn. Mỗi năm có đến 700 ngàn trẻ chết vì tiêu chảy do sử dụng nước bẩn và vệ sinh kém gây nên. Nếu chia đều ra 365 ngày, thì cứ mỗi ngày có 2 ngàn cháu qua đời vì thiếu nước sạch và vệ sinh.
Liên hiệp Quốc hồi ngày 21 tháng 3 vừa qua lên tiếng cho rằng dân số tăng và kinh tế tại các nước đang phát triển sẽ khiến cho nhu cầu sử dụng nước và năng lượng tăng gấp đôi vào những thập niên tới.
Theo phúc trình được công bố trước Ngày Thế giới Nước năm nay, thì ngoài hai yếu tố vừa được đưa ra là dân số tăng và phát triển kinh tế thì khuynh hướng thay đổi cách sống và tiêu dùng cũng khiến gia tăng áp lực hiện nay lên nguồn tài nguyên giới hạn của Trái Đất và hệ sinh thái.
Phúc trình của Liên hiệp quốc cho biết chừng 20% tầng ngậm nước của Trái Đất đang bị cạn kiệt. Nông nghiệp hiện chiếm đến hơn hai phần ba nguồn nước sử dụng. Nước ngọt tiếp tục được sử dụng trong nông nghiệp, dùng để uống, để nấu ăn, giặt giũ, xây dựng cũng như để sản xuất năng lượng điện.
Đến năm 2035, nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự kiến tăng hơn một phần ba, với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông chiếm đến 60% mức tăng. Hồi năm 2010, ngành sản xuất năng lượng tiêu tốn hết 66 tỷ mét khối nước ngọt. Số này cao hơn lưu lượng trung bình hằng năm của Sông Nile tại Ai Cập. Vào thời điểm 2035, mức tiêu thụ này sẽ tăng 85% do sử dụng cho những hệ thống làm nguội của các nhà máy điện.
Công nghệ khai thác khí đá phiến và dầu từ cát hiện đang nở rộ tại khu vực Bắc Mỹ buộc phải sử dụng rất nhiều nước trong công đoạn sản xuất.
Đến năm 2050, nhu cầu nước của toàn thế giới sẽ tăng lên khoảng 55%. Đến lúc đó hơn 40% dân cư Trái Đất sẽ sinh sống tại những vùng căng thẳng về nguồn nước từ Bắc Mỹ cho đến Trung Đông, đến khu tây của Nam Á.
Phúc trình của Liên hiệp quốc đưa ra kêu gọi tất cả các quốc gia trên toàn thế giới cần phải phối hợp nổ lực nhằm có thể sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả. Phúc trình chỉ ra rằng tại những quốc gia khô hạn ở Trung Đông có đến từ 15 đến 60% nước bị rõ rỉ hay bốc hơn trước khi đến được người sử dụng.
Một biện pháp được đưa ra nữa là cần có chọn lựa thông minh khi phân bổ hằng ngàn tỷ đô la đầu từ cho các dự án hạ tầng về năng lượng và nguồn nước trong vòng hai thập niên đến.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.

No comments :

Post a Comment