Sunday, November 17, 2013

• Dự án cáp treo lên đỉnh Fansipan tàn phá Vườn Quốc gia Hoàng Liên


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ khởi công dự án cáp treo 3 dây Fansipan - Sapa
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ khởi công dự án cáp treo 3 dây Fansipan - Sapa
VGP/Lê Tuấn/chinhphu.vn
Gia Minh, biên tập viên RFA

Việt Nam có đỉnh Fansipan trên dãy Hoàng Liên Sơn thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Đỉnh núi mệnh danh ‘nóc nhà Đông Dương’ này lâu nay thu hút biết bao người mang trong mình máu mạo hiểm.
Mới hôm đầu tháng 11 vừa qua, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công dự án xây dựng hệ thống quần thể cáp treo lên đỉnh Fansiapan. Hoạt động này gây bất ngờ cho nhiều người vì họ cho rằng một dự án như thế sẽ tàn phá sinh cảnh Vườn Quốc gia Hoàng Liên, và về lâu về dài sẽ khiến du khách nản lòng không đến nữa.
Dự án ‘ba nhất’
Thông tin cho biết dự án cáp treo từ Sapa đi thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan nằm trong dự án quần thể du lịch Fansipan-Sapa của chủ đầu tư là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan- thành viên của Tập đoàn Sun Group.
Cùng với hệ thống cáp treo, còn có khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm hệ thống khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực, một khu down-town Sapa, một sân golf 18 lỗ. Ngoài ra còn có một khu du lịch tâm linh nữa.
Hệ thống cáp treo sẽ được xây dựng được giới thiệu là hệ thống cáp treo ba dây dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới. Hệ thống này không cần hệ thống cứu hộ thông thường. Độ dài của toàn tuyến là 7 km, độ chênh lệch tuyệt tối của ga đi và ga đến là hơn 1400 mét. Mỗi giờ có thể vận chuyển tối đa 2000 lượt khách, mỗi cabin có thể chứa 35 khách.
Cùng với hệ thống cáp treo, còn có khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm hệ thống khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực, một khu down-town Sapa, một sân golf 18 lỗ. Ngoài ra còn có một khu du lịch tâm linh nữa
Tổng vốn đầu tư được cho biết là chừng 4400 tỷ đồng.
Phản ứng
Đối với nhiều người, thông tin về dự án vừa nói khiến họ vô cùng bất ngờ vì những ý kiến phản biện đối với một dự án lớn như thế chưa hề được phát biểu.
Một loại hệ thống cáp treo (ảnh minh họa/source dulichgo)
Một loại hệ thống cáp treo (ảnh minh họa/source dulichgo)
Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc Công ty Du lịch Dã Ngoại Lửa Việt cho biết cảm nghĩ đó:
Có thể  nói là hoàn toàn bất ngờ, choáng váng! Vì thật ra tại Việt Nam mọi chuyện đều có thể làm chẳng theo một bài bản, qui hoạch nào cả. Chỗ nào thích, có núi, có chùa thì người ta làm cáp treo thôi! Bản thân tôi thật ra không nghĩ đến có ngày họ sẽ làm cáp treo tại Fansipan. Trước đây tôi có nghe đồn phong phanh nhưng tôi cứ nghĩ thiên hạ họ ‘ngứa miệng’ đồn cho vui, chứ Nhà nước không thể làm chuyện ngược đời như vậy được; nhưng đến lúc mà thông tin chính thức do Đài Truyền hình, báo chí đưa tin thì có thể nói hoàn toàn bị choáng và bị sốc trước tin một dự án rất bất lợi cho du lịch, đặc biệt là du lịch  bền vững.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, nguyên giám đốc Vườn Quốc Gia Lò Gò- Xa mát, Tây Ninh trong việc duyệt xét dự án cáp treo đỉnh Fansipan có gì đó khuất tất vì không theo đúng qui định hiện nay của Việt Nam:
Theo qui định hiện hành thì những dự án sử dụng đất của vườn quốc gia từ 50 héc ta trở lên thuộc thẩm quyền Quốc hội. Bởi vì làm một cáp treo như vậy phải phá một vệt rừng tương ứng với đường cáp treo đi, và tại nơi cáp treo đến cũng phải phá rừng để làm ga hành khách và những công trình khác. Tôi thấy diện tích của một cáp treo như vậy chắc chắn phải gồm 50 héc ta, lẽ ra phải trình ra Quốc hội; nhưng dường như dự án này đã lách luật ở điểm nào đó nên không trình ra mà đã khởi công.
Bởi vì làm một cáp treo như vậy phải phá một vệt rừng tương ứng với đường cáp treo đi, và tại nơi cáp treo đến cũng phải phá rừng để làm ga hành khách và những công trình khác. Tôi thấy diện tích của một cáp treo như vậy chắc chắn phải gồm 50 héc ta, lẽ ra phải trình ra Quốc hội
ông Nguyễn Đình Xuân
Ông Mai Đình Định, giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi Trường tỉnh Lào Cai, thông tin về vai trò của các cơ quan trong tỉnh đối với dự án cáp treo Fansipan:
Đúng là đã khởi công rồi, còn bây giờ nếu các anh muốn tìm hiểu về qui mô… thì tất cả nằm trong giấy chứng nhận đầu tư và Sở Kế hoạch- Đầu tư quản lý việc đó. Chuyện cấp đất sẽ thực hiện sau. Tức là qui hoạch xong rồi sẽ bắt đầu đền bù, giải phóng mặt bằng, xong xuối đâu đấy rồi bắt đầu làm thủ tục bàn giao.
Theo kinh nghiệm của một người làm trong lĩnh vực du lịch dã ngoại, mạo hiểm, ông Nguyễn Văn Mỹ nêu ra những lý do không nên triển khai dự án cáp treo cũng như xây dựng lớn trong khu Vườn quốc gia Hoàng Liên từ Sapa lên đến đỉnh Fansipan:
Đỉnh Fansipan (Phan xi păng) với độ cao 3.143 mét có địa hình hiểm trở với những vách đá cheo leo đựng đứng, vực sâu hàng nghìn mét
Đỉnh Fansipan (Phan xi păng) với độ cao 3.143 mét có địa hình hiểm trở với những vách đá cheo leo đựng đứng, vực sâu hàng nghìn mét. Courtesy Dulichgo
Tôi và rất nhiều người đã từng leo lên Fansipan và chúng tôi xem đó là điểm rất tuyệt vời để mà thử thách, rèn luyện nhân viên vượt qua chính mình.
Ở Việt Nam gần như chưa có loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch rừng núi còn rất hạn hẹp so với nhiều nước chung quanh. Trong loại hình còn hiếm hoi đó thì Fabsipan không chỉ là điểm hẹn của khách trong nước mà khách ngoài nước nữa. Tôi đã trực tiếp và đưa khách lên Fansipan rồi và chúng tôi xem đó là một thử thách gần như bắt buộc đối với nhân viên của Lửa Việt; tức trước khi làm việc với Lửa Việt phải vượt qua chính mình thông qua chương trình leo Fansipan ( có thể công ty tổ chức leo hay đi với khách).
Núi Fansipan nằm trong vùng núi cao nhất trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Có nhiều ngọn núi cao và hẹp, đỉnh hẹp và cảnh rất là tuyệt vời. Tôi từng leo ngọn núi Kinabalu là đỉnh núi cao nhất ở Đông Nam Á dù có nét riêng nhưng về mặt cây cối không bằng Fansipan. Tôi đi ( leo Fansipan) vào mùa mưa và hôm đó gặp nhiều loại côn trùng phải nói ‘giật mình’ luôn. Đi qua suối tôi gặp một con guin mà tôi tưởng là con rắn, cầm que đưa lên thì nó dài khoảng nửa mét và to bằng ngón tay cái nên tưởng là con rắn. Còn những con nòng nọc dưới suối ở đồng bằng thì nhỏ nhưng những con nòng nọc ở Fansian to như những con cá thòi lòi dưới miền Tây. Các loại hoa dại trên đó rất phong phú và đa dạng; đặc biệt trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên có những vườn chè cổ thụ mà độ tuổi hằng ngàn năm.
Đang trong môi trường về mặt sinh thái đang lý tưởng như vậy mà không chỉ làm cáp treo mà có những dự án du lịch nào ở đó đều là chuyện không thể nào chấp nhận được đối với các nước phát triển. Còn ở Việt Nam thì chuyện gì cũng có thể làm được; nếu mà dự án hoàn thành thì nó sẽ phá nát toàn bộ cảnh quan của Fansipan.
Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Ngoài hệ thực vật phong phú, Vườn quốc gia Hoàng Liên có 66 loài thú, 347 loài chim, 41 loài lưỡng cư và 61 loài bò sát
Leo núi phải leo từ dưới đất để làm quen với khí hậu và áp suất, chứ không thể ‘đi tắt đón đầu’ như cách nói mà các ông hiện hay nói. Leo núi không thể đi tắt đón đầu được. Không ai leo núi được khi trên đầu của mình người ta đang đùa giỡn… Người ta chỉ rèn luyện trong điều kiện tự nhiên chứ làm đường cáp treo thì hầu như đường bộ bị bỏ trống, trừ Cáp treo Bà Đen vì nó chỉ cao 250 mét thôi và người ta còn đi hành hương.
Ngoài cáp treo còn có những công trình xây dựng cao cấp ở thung lũng Mường Hoa, sân golf 18 lỗ và đặc biệt người ta dự kiến làm một cái chùa trên núi. Đường đi rất hẹp nên chắc chắn phải phá núi, phải chặt cây để làm cáp treo. Công suất của cáp treo đến 2000 người một giờ; như vậy mỗi ngày có thể đón 20 ngàn lượt khách lên đó thì không có chỗ cho họ đi, còn chuyện vệ sinh, phục vụ… Bản thân tôi không thể nào hình dung ra được.
Ông Nguyễn Đình Xuân cũng nêu ra những tác động bất lợi khi triển khai dự án cáp treo lên Fansipan như sau:
Rõ ràng đường cáp treo đó sẽ chia cắt vườn quốc gia và nó tạo ra một áp lực rất lớn về du khách. Với một đường cáp treo thuận lợi như vậy họ kỳ vọng sẽ thu hút được rất nhiều du khách; từ đó việc xử lý chất thải trên đó như thế nào khiến tôi cũng rất lo ngại. Ngoài ra thường những đỉnh núi mang tính kỷ lục như Fansipan người ta không làm vậy. Để những ngọn núi như vậy để những người thích du lịch mạo hiểm, sinh thái họ chinh phục. Còn nếu làm đường cáp treo quá thuận lợi như vậy sẽ làm mất giá trị của đỉnh núi đó. Bản thân tôi không được hỏi ý kiến nhưng nếu hỏi ý kiến tôi thì tôi không ủng hộ những dự án như vậy đâu. Chúng ta có những nơi có thể làm cáp treo, riêng ngọn núi kỷ lục này nên để nó hoang sơ và nguyên vẹn, để cho những người có sức khỏe và thích mạo hiểm có thể khám phá bằng chính sức khỏe của họ.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng đề cập đến kế hoạch xây dựng khu tâm linh trên đỉnh Fansipan:
Bà con dân tộc trên đó họ theo đạo riêng của họ chứ; tại sao cứ áp đặt chủ quan của mình nơi  nào cũng xây tâm linh, chỗ nào cũng xây ngoại cảm, dân chẳng biết chỗ nào mà lần nữa. Khi nghe như vậy nhiều người gọi điện cho tôi bày tỏ bức xúc, nhất là những người từng leo đỉnh Fansipan.
Vốn quí
Xin phép được nhắc lại, Vườn Quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam. Diện tích vùng lõi của vườn gần 30 ngàn héc ta, gồm một hệ thống núi cao thuộc dãi Hoàng Liên Sơn trong đó có đỉnh Fansipan cao 3143 mét. Vùng đệm của vườn rộng gần 38 ngàn héc ta gồm thị trấn Sapa, một số xã thuộc huyện Sapa, một phần huyện Văn Bản tỉnh Lào Cai, và hai xã thuộc huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu.
Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Ngoài hệ thực vật phong phú, Vườn quốc gia Hoàng Liên có 66 loài thú, 347 loài chim, 41 loài lưỡng cư và 61 loài bò sát.
Vườn quốc gia Hoàng Liên của Việt Nam cũng là Vườn Di sản ASEAN.
Ông Nguyễn Văn Mỹ còn cho biết hoạt động leo lên đỉnh Fansipan được đưa vào giáo trình thực tập cho sinh viên ngành du lịch, đặc biệt là những người làm cho công ty Dã ngoại Lửa Việt. Ông cho biết:
Trở lại vấn đề một chút: khi chúng tôi đưa các sinh viên lên đó làm thu hoạch thì có nhiều chuyện thú vị. Đơn cử khi về có những em bị bong gân, sứt móng, vất vả đủ điều nhưng khi về trường các em có nói một ý là mình giỏi hơn mình tưởng rất nhiều, không ai nghĩ mình có thể đi một chặng đường gian nan như vậy và các em nói khi vượt qua chính mình chinh phục được đỉnh Fansipan thì có thể nói những công việc bình thường trong cuộc sống, trong đơn vị, trong công ty chẳng có gì là không làm được cả. Có thể nói đó là một nơi ‘outdoor training’ cực kỳ lý tưởng mà bây giờ bị phát nát như vậy, tôi không tài nào hiểu  nổi
Những ý kiến phản đối dự án xây dựng cáp treo và quần thể cơ sở hạ tầng tại Fansipan đều cho rằng triển khai dự án như thế sẽ phá hủy vốn quí vừa nêu của Việt Nam.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây.  Gia Minh chào tạm biệt.

No comments :

Post a Comment