
bà Judith Heumann, cố vấn đặc biệt về quyền quốc tế đối với người khuyết tật, cũng là người chuyên trách Văn Phòng Dân Chủ, Nhân Quyền Và Lao Động trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đến thăm Trung Tâm Vì Ngày Mai hôm 27 tháng 4, 2014
RFA
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Chăm Sóc Sức Khỏe, Dạy Nghề Và Tạo Việc Làm Cho Thanh Thiếu Niên Khuyết Tật là công việc của Trung Tâm Vì Ngày Mai ở Xóm 19B, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội.
Trung Tâm Vì Ngày Mai
Đồng sáng lập Trung Tâm Vì Ngày Mai là ông Phan Tất Thành, cựu chiến binh với một chân bị tàn phế, và bà Lê Thị Hiền, bị liệt hai chân do tai nạn và phải ngồi xe lăn vĩnh viễn. Từ khi mới thành lập năm 2009, Trung Tâm Vì Ngày Mai là hội viên của Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận ở Hà Nội. Cũng từ 2009, Trung Tâm Vì Ngày Mai đã đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng cuộc sống cho hơn 700 thanh thiếu niên khuyết tật.
Đây cũng là nơi mà ngày Chủ Nhật 27 tháng Tư vừa qua, bà Judith Heumann, cố vấn đặc biệt về quyền quốc tế đối với người khuyết tật, cũng là người chuyên trách Văn Phòng Dân Chủ, Nhân Quyền Và Lao Động trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đến thăm và trò chuyện cùng các học viên đang sinh sống và học hành trong trung tâm.
Trong số 700 đó nổi lên là có hai người đã tự mình tách ra và thành lập doanh nghiệp cá nhân của họ. Cũng có một cháu đi đại học và chúng tôi đã nuôi cháu tốt nghiệp ra cử nhân. Có 30 đôi tức 60 người khuyết tật đã đến với nhau và tạo dựng gia đình hạnh phúc với nhau.
Trung Tâm Vì Ngày Mai là nơi họ đến từ lúc còn là những người yếu đuối trong xã hội, họ lớn lên, trưởng thành, xây dựng tin yêu vào cuộc sống.
Đó là lời ông Phan Tất Thành, người đã dìu dắt thanh thiếu niên tàn tật vượt thắng chính bản thân khiếm khuyết của mình cũng như vượt thắng những trở ngại xã hội đối với người khuyết tật. Hiện tại, Trung Tâm Vì Ngày Mai đang có 80 người sinh sống và học nghề ở đó:
Trong số 700 đó nổi lên là có hai người đã tự mình tách ra và thành lập doanh nghiệp cá nhân của họ. Cũng có một cháu đi đại học và chúng tôi đã nuôi cháu tốt nghiệp ra cử nhân. Có 30 đôi tức 60 người khuyết tật đã đến với nhau và tạo dựng gia đình hạnh phúc với nhau
Cái lớp học riêng mà chúng tôi mới nhận vào là chỉ có hơn 50 thôi, còn 30 người nữa là thế này, những lớp ra trường trước mà ai tự tìm được con đường đi cho mình, tìm được cái nghề nghiệp cho mình và tự phát triển được cá nhân mình thì họ đi về nhà họ và xây dựng cuộc sống của họ. Trung Tâm liên tục theo dõi hỗ trợ trong quá trình làm việc và xây dựng cuộc sống của họ.
Còn số nào không đủ nghị lực, không đủ sức khỏe, không đủ điều kiện để tự lập thì chúng tôi nhận nuôi ở lại, lập thành những tổ sản xuất rồi giao việc làm cho họ khai thác các nguồn hàng trong khả năng của họ rồi chúng tôi tiêu thụ sản phẩm cho họ có nguồn thu nhập và tự nuôi sống bản thân mình chứ không phải ỷ lại hay lệ thuốc vào ai cả. Đấy là cái đích mà chúng tôi đạt được là như vậy.
Đối tượng có mức độ khuyết tật như thế nào thì được Trung Tâm Vì Ngày Mai nhận chăm sóc, dạy nghề và đào tạo cuộc sống. Ông Phan Tất Thành cho biết:
Chỉ trừ những người bị down, ngớ ngẩn toàn bộ, và không tự chăm sóc được bản thân thì chúng tôi từ chối, còn Trung Tâm Vì Ngày Mai không từ chối bất kỳ một khuyết tật nào như đui mù, câm điếc, dị dạng.
Vừa rồi, bà cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đại diện tổng thống Obama, đến thăm Trung Tâm Vì Ngày Mai, đến thăm các cháu và tôi có đưa lên Facebook cách đây mấy ngày.

Bà Judith Heumann, cố vấn đặc biệt về quyền quốc tế đối với người khuyết tật thăm các em học viên của Trung Tâm Vì Ngày Mai. RFA
Vẫn lời ông Phan Tất Thành, vì không có cơ sở vật chất nên ngôi nhà của Trung Tâm Vì Ngày Mai cũng là nơi được thuê mướn để hoạt động:
Tôi và người khởi xướng là chị Lê Minh Hiền, cũng là người khuyết tật, và mấy anh em bộ đội về hưu xúm vào làm thì tôi phụ trách điều hành hoạt động.
Nếu là hội viên của Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật Việt Nam thì Trung Tâm Vì Ngày Mai hẳn là được sự ưu đã của nhà nước:
Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự ưu đãi nào của nhà nước, tất cả từ chỗ ở chúng tôi phải đi thuê, từ miếng đất dựng lên cái lều cũng là đi thuê. Miếng ăn hàng ngày một là do các cháu làm nên sản phẩm, hai là các bạn bè các anh em hỗ trợ.
Sự hỗ trợ về phía chính phủ khẳng định là không có mà kể cả khó dễ nữa cơ. Khó dễ là do cơ chế chính sách thôi, thí dụ cái việc gọi là ưu tiên những điều kiện sinh hoạt sinh sống cho người khuyết tật chẳng hạn thì khi mà chúng tôi có thuê miếng đất hay có xin miếng đất cho người khuyết tật ở thì không được chính quyền ủng hộ. Bởi vì chúng tôi không có tiền mà nó nhiều cái thủ tục hành chính bọn tôi không thể vượt qua nổi.
Hay thí dụ chế độ thuế má chẳng hạn, nói là miễn thuế cho người khuyết tật thế nhưng sản phẩm của các cháu làm ra thì vẫn bị hàng rào thuế, phải rất khó khăn mới vượt qua được.
Được hỏi trong tư cách người điều hành hoạt động thì ông có thể trình bày rõ hơn về các tổ sản xuất trong Trung Tâm Vì Ngày Mai mà qua đó người khuyết tật có thể làm ra sản phẩm để có đồng ra đồng vào, ông Phan Tất Thành giải thích:
Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự ưu đãi nào của nhà nước, tất cả từ chỗ ở chúng tôi phải đi thuê, từ miếng đất dựng lên cái lều cũng là đi thuê. Miếng ăn hàng ngày một là do các cháu làm nên sản phẩm, hai là các bạn bè các anh em hỗ trợ.ông Phan Tất Thành
Các cháu làm đồ thủ công bằng giấy, đồ thủ công bằng vải, làm gối, làm những đồ treo chìa khóa, đồ lưu niệm, làm bao thư, phong bì.
Những sản phẩm do các thanh thiếu niên khuyết tật sản xuất từ Trung Tâm Vì Ngày Mai được chụp ảnh đưa lên trang mạng của Trung Tâm, được sự chú ý của nhiều người bên ngoài:
Một số bạn quen biết ở Đài Loan về, rồi một số bạn Việt Kiều ở Cali mới về. Rồi có một bạn ở NaUy, một bạn ở Czech cũng hẹn về mua. Đấy là những tín hiệu rất tốt.
Sản phẩm các cháu làm mà chúng tôi bán được thì đấy là lợi nhuận của các cháu còn chúng tôi chỉ bảo tồn vốn thôi. Ví dụ như vốn tôi mua giấy cho các cháu để xếp hình từ giấy ra con chim chẳng hạn. Khi bán được con chim bằng giấy đi thì chúng tôi chỉ giữ lại tiền vốn thôi, còn tiền lời là của các cháu. Đấy là phần các cháu tự sinh sống được.
Trên miếng đất mà chúng tôi thuê thì chúng tôi tổ chức trồng rau cho các cháu ăn, chúng tôi nuôi gà, nuôi lợn, nuôi vịt. Kể cả những trường hợp đi chợ thì những người bán hàng ngoài chợ người ta giảm giá cho chúng tôi.
Chương trình sinh hoạt
Một ngày của Trung Tâm Vì Ngay Mai, nơi chăm sóc sức khỏe, đào tạo, dạy nghề cho Thanh thiếu niên khuyết tật, bắt đầu bằng buổi tập thể dục sáng, kế đó là vệ sinh cá nhân, điểm tâm rồi vào học.
Lớp học đầu tiên từ những ngày chập chững đến trung tâm mà các bạn trẻ khuyết tật phải trải qua là lớp dạy về kỹ năng sống, cách giao tiếp. Tại đây những người câm điếc được theo học những lớp dành riêng cho họ, ai thích vẽ thì theo học những lớp dạy vẽ, thích thủ công thì theo những lớp dạy gấp hay xếp giấy chẳng hạn. Tóm lại từ những việc rất nhỏ như gấp bao thư, gấp hình những con chim cho đến những việc khó khăn hơn, chưa kể còn phải học vận động tức rèn luyện thể dục.
Buổi chiều, sau buổi ăn tối là sinh hoạt tập thể bằng những hình thức giải trí lành mạnh:
Như xem TV hoặc mở máy hát kara ô kê với nhau. Đến 8 giờ tối thì nam về phòng nam ở khu vực nam, nữ về phòng nữ ở khu vực nữ, tách biệt ra dưới sự quản lý của cán bộ. Đấy là trong một ngày.
Thường các cháu mà đã học xong rồi, có chứng chỉ tay nghề hẳn hoi rồi là mà đi được thì đi. Còn nhóm các cháu ở lại mà không học nữa thì bắt đầu sản xuất để tạo rất nhiều sản phẩm
Còn thường các cháu mà đã học xong rồi, có chứng chỉ tay nghề hẳn hoi rồi là mà đi được thì đi. Còn nhóm các cháu ở lại mà không học nữa thì bắt đầu sản xuất để tạo rất nhiều sản phẩm.
Khi chủ trương và điều hành một sinh hoạt thường ngày để mong giúp người khuyết tật vượt khó và sống vững, ông Phan Tất Thành chia sẻ, chính bản thân ông cũng như bà Lê Minh Hiền và những người cộng tác đã ít nhiều hiểu được những cố gắng nhỏ nhoi của mình đã giúp người trẻ không may bị tàn tất vươn lên trong đời như chính sự sống mà họ khát khao và nuôi dưỡng trong trái tim nhạy cảm của mình:
Những người khuyết tật đã chịu thiệt thòi ngay từ trong gia đình của mình. Bên cạnh cha mẹ anh em ruột của mình thôi thì người ta cũng đã chịu thiệt thòi rồi. Bao giờ cha mẹ cũng ưu ái những đứa lành lặn hơn, thành ra mặc cảm sống của người ta rất nặng nề.
Kêu gọi họ, tập trung họ lại, và khi mà tất cả cộng đồng mềm yếu ấy sống với nhau thì tất cả họ sẽ mạnh mẽ lên, giải phóng được cái sức trì trong đầu, giải phóng được cái mặc cảm ở trong họ, và họ khẳng định rằng họ học được, hát được, vỗ tay được, rồi họ khẳn định là họ tự kiếm sống được và không bị lệ thuộc vào ai cả. Và đến khi mà họ xây dựng gia đình được tức là có vợ có chồng có con, các cháu nhỏ đẹp lắm, thì thật không có hạnh phúc nào lớn bằng.
Phải có sự đồng cảm mới hiểu được những khó khăn mà người khuyết tật đã phải vượt qua, ông Phan Tất Thành khẳng định:
Khẩu hiệu của chúng tôi là hãy vượt qua bản thân mình trước khi vượt qua các rào cản của xã hội.
Niền an ủi tinh thần rất đỗi quí báu cho những người điều hành Trung Tâm Vì Ngày Mai là đã có một số bạn trẻ, lành lặn chứ không bị khuyết tật, tìm đến trung tâm để đỡ tay thay việc cho những người tàn tật không thể làm những việc nặng:
Không kể là bạn cũ mà cũng có một số bạn mới, những bạn trẻ rất tốt, rất nhiệt tình. Các sinh viên tình nguyện từ các trường đại học cứ thứ Bảy Chủ Nhật các cháu lại đến, bao nhiêu việc nặng nhọc là các cháu làm hết cho, thí dụ quét dọn rinh bê. Chẳng hạn bây giờ đang muốn dựng thêm một căn nhà và đang đi xin tiền chưa đủ thì các cháu sinh viên nó đến san cái nền nhà hộ cho. Thực sự những giúp đỡ xã hội đó rất là lớn.
Vì chỉ là một tổ chức tư nhân, hơn nữa cho rằng việc làm của mình nhỏ nhoi, thế nhưng niềm tin là yếu tố chính để nuôi lớn ước mơ của Trung Tâm Vì Ngay Mai:
Mong rằng Trung Tâm Vì Ngay Mai tồn tại, phát huy và được nhân rộng ra. Khi nó lớn mạnh và mình đứng lên được rồi thì đã có niềm tin đến những địa phương khác. Ví dụ Hải Dương, Nam Định, một số tỉnh cũng lên gặp chúng tôi, đề nghị chúng tôi hỗ trợ cho họ phương hướng phát triển. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị giúp một số địa phương để phát triển mô hình của Trung tâm Vì Ngày Mai ở các tỉnh bạn.
Trong cuộc sống hiện nay thì có nhiều cái mà người ta phải quan tâm, phải lo nghĩ, phải sắp xếp, phải tính toán.Chỉ mong mọi người hãy dành một chút trong thời gian trong suy nghĩ của mình về những trường hợp bất hạnh mà người ta phải gánh chịu. Đấy là số phận của họ chứ không phải tự họ gây ra điều đó.
Thanh Trúc vừa cống hiến quí vị câu chuyện Trung Tâm Vì Ngay Mai, nơi chăm sóc sức khỏe, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật, một thành phần không nhỏ trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kết thúc ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị thứ Năm tuần tới.
No comments :
Post a Comment