
Tuyết phủ trắng những cánh đồng hoa màu ở Sa Pa, ảnh chụp hôm 22/12/2013.
Courtesy VOV
Những vườn bắp cải, su su xanh lơ, búp lá nõn nà trong sương sớm cùng những người chủ nông dân lúi húi bón phân, tưới nước, mùi hăng hăng của sương sớm, mùi lá non và mùi nước lá keo ngâm khai khái… Đó là phức hợp của vườn bắp cải, su su, một thứ phức hợp lâng lâng cảm giác Tết về nơi núi rừng Tây Bắc. Thế nhưng sau trận tuyết lạnh, mưa rét vừa qua, mọi giấc mơ bắp cải, su su của người nông dân ở đây tan theo tuyết trời. Một cái Tết nặng nề đang chờ phía trước.
Nợ ngập đầu vì bắp cải, su su
Bà Chung, chủ một vườn bắp cải rộng gần một hecta và nhiều giàn su su ở Bắc Hà, Lào Cai, buồn bả nói với chúng tôi rằng nếu như thời tiết thuận lợi, Tết năm nay gia đình bà sẽ khấm khá nhờ vào bắp cải và su su. Vì theo kinh nghiệm làm vườn lâu năm của bà, năm nào trời lạnh, các loại rau khác sẽ chậm phát triển và ít thu hoạch trúng Tết, đó là cơ hội để bắp cải, su su tăng giá hơn một chút. Thế nhưng chưa kịp mừng thì đã hoảng hồn vì đợt rét vừa qua, mọi thứ tiêu tan.
Bà đang lo lắng vì cho đến thời điểm bây giờ, bà đã đầu tư vào vườn rau của mình gần 50 triệu đồng vốn, trong đó hết 40 triệu tiền vay ngân hàng. Mọi thứ mất trắng cũng đồng nghĩa với việc gia đình ba đang đối diện với khoản nợ 40 triệu đồng đang ngày càng phình to ra vì lãi suất. Và để phục hồi, cứu vãn tình thế, không còn cách nào khác, bà thế chấp nhà cửa để vay tiếp 50 triệu đồng, đầu tư cho vụ kế tiếp. Đương nhiên là vụ này không còn trúng Tết và cũng chẳng hy vọng nó cho lãi cao, may lắm là gở được vốn để trả nợ ngân hàng.
Bà thở dài nói thêm, chuyện làm nông, làm vườn bây giờ chẳng khác nào con thoi loay hoay giữa guồng máy dệt. Không may, đứt chỉ một lần là cả tấm vải bị lỗi, phải gở từng múi rất khó khăn. Thường thì tuyết rơi, ngành du lịch trúng đậm, nhưng làm nông dân như bà chỉ biết méo mặt mà khóc thầm đợi mùa sau. Cũng không ít nông dân sau đợt rét vừa rồi lâm nợ giống như bà, thậm chí có người còn bị phá sản vì qui mô đầu tư quá lớn, con số nợ cũng quá lớn.

Vườn bắp cải ở Sapa trước khi có tuyết rơi. RFA PHOTO.
Một nông dân khác tên Lý, ở Sapa, Lào Cai nói rằng năm nay kinh tế nhà vườn của gia đình bà hoàn toàn phá sản. Những ngày mới trở lạnh, bà quyết định đi mua vải bạt, vải lưới và giấy nilon cuộn về che cho su su, cải bắp. Thế nhưng rét quá nặng, tuyết quá dày, đến ngày thứ hai thì tuyết đã đè rách toạc các tấm vải nilon và đổ ập xuống vườn cải bắp. Sự tan nát diễn ra ngay trước mắt. Như vậy, gần một trăm triệu đồng đầu tư cho vườn rau Tết coi như không còn gì ngoài mấy đống tuyết và bãi đất nhũn nhoét.
Bà Lý nói thêm rằng năm nay thời tiết khắc nghiệt khác thường, mọi năm, nếu có tuyết nhiều chăng nữa cũng ít hư hại như năm nay. Tuyết phủ ít nhất ba ngày thì mới thấy cây cối xuống sắc. Năm nay thì khác, tuyết phủ sang ngày thứ hai đã thấy cây cối chuyển màu, cảm giác như đang nhũn mềm ra. Điều này cho thấy nồng độ muối trong tuyết rất cao, khác với mọi năm trước đây. Và nó cũng cho thấy thiên nhiên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, tàn khốc hơn.
Một cái Tết buồn
Tùy thuộc vào giá cả thị trường, không nói thêm được, nếu thị trường rẻ thì chỉ đủ ăn. Nhưng gây giờ nó sinh ra bệnh sưng củ giống trong Đà Lạt, dẫn đến chết thôi.
-Ông Chu
Ông Chu, chủ của bốn vườn rau với tổng cộng gần 6 hecta nằm rải rác trong huyện Bắc Hà, Lào Cai vừa bị hư hại hoàn toàn, buồn rầu nói với chúng tôi rằng có lẽ năm nay, gia đình ông ăn một cái Tết ảm đạm khó tả. Vì toàn bộ vốn liếng bao nhiêu năm dành dụm ông đã đầu tư vào các vườn rau, trong đó hơn ba phần tư diện tích ông thuê của người khác, tính đi tính lại, số tiền mà từ nay đến Tết gia đình ông phải trả cho ngân hàng và trả cho chủ đất lên đến ba trăm năm mươi triệu đồng.
Với nhà nông, đây là con số mà cả đời dành dụm cũng chưa chắc được. Nhưng ông cũng nói thêm là nếu như thời tiết thuận lợi, không cần giá su su và bắp cải tăng cao lắm, ông kiếm được cũng ngót nghét sáu trăm triệu đồng, sau khi trừ tiền vốn đầu tư và tiền thuê đất, số còn lại cũng được vài ba trăm triệu đồng.
Khổ nỗi, năm nay giá thành phân tro, hạt giống lên quá cao, thuốc dưỡng cây, chống sâu bệnh cũng lên cao, mà giai đoạn đầu tư phân thuốc nặng nhất là trong vòng ba mươi ngày đầu tiên sau khi xuống giống. Các vườn rau vừa ngốn của ông một khối tiền phân thuốc, đến thời kì phát triển mạnh, đây cũng là lúc thân cây non mướt, dễ bị nhũn nhất. Tuyết rơi đúng ngay thời điểm này thì coi như xong, mọi ước mơ tan tành. Một cái Tết khủng hoảng đang chờ phía trước.

Nhà vườn ở Sapa, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO.
Ông kể: “Tầm khoảng bảy ngàn, giờ khoảng hai mươi hai ngàn một ký, cái này tùy thuộc vào giá cả thị trường, không nói thêm được, nếu thị trường rẻ thì chỉ đủ ăn. Nhưng gây giờ nó sinh ra bệnh sưng củ giống trong Đà Lạt, dẫn đến chết thôi. Đất mới thì trồng được hai vụ thôi, đến vụ thứ ba là hỏng hết, phải trồng thứ khác, không trồng bắp su được nữa. Nói chung là từ đầu năm đến giờ gọi là các rau trồng liên tục, rau nọ chồng rau kia, vì trên này không có ruộng, nương gì cả chỉ có là nguyên vườn thế này.”
Ông nói thêm rằng cơ hội để gở vốn của gia đình ông hầu như không có. Vì có giỏi lắm thì cũng gở gạc được một phần ba vốn trong vụ tới. Nhưng đất đã xấu đi, bị hăng do cây cũ chết, ít nhất cũng chờ nửa tháng đến hai mươi ngày sau trong điều kiện nắng ráo để phơi đất, sau đó mới trồng lại được. Mà đến vụ tháng Hai thu hoạch thì thường là giá thành rẻ bèo, khó có lãi. Trong khi đó lãi suất ngân hàng tăng vùn vụt, điện, nước, xăng, các thứ thuộc về dịch vụ bảo vệ thực vật cũng tăng tỉ lệ, không tài nào ngoi đầu lên được.
Đó là chưa kể đến quĩ đất đang ngày càng hẹp dần, năm sau một số chủ đất lấy lại diện tích để bán và xây nhà, diện tích canh tác của gia đình ông chỉ còn tròm trèm một nửa hiện tại. Và đáng sợ hơn là nghề nông bây giờ làm ăn rất chụp giựt. Sự chụp giựt này không phải bởi tố chất của người nông dân mà do các dự án luôn đe dọa diện tích canh tác. Nhà nước có thể thu hồi bất kì diện tích nào nếu họ muốn.
Chính vì thế, một khi người nông dân thua lỗ, lâm nợ, nỗi lo trả nợ chưa phải là lớn mà nỗi là bị mất phương tiện để trả nợ khiến họ sụp đổ, mất khả năng phấn đấu để lấy lại những gì đã mất. Ông Chu nói thêm rằng nếu như quĩ đất canh tác ổn định, người nông dân sẽ ít chụp giựt hơn so với hiện tại. Phần lớn người nông dân bây giờ vừa làm vừa nhìn qua ngó lại thử diện tích chung quanh mình có ai bị giải tỏa hay không, và không biết bao giờ đến lượt mình.
Và một khi mang tâm lý này, người nông dân chỉ còn nước chạy đua với thời gian, làm sao cho vu nối vụ liên tiếp để kiếm lãi. Chính vì thế mà hiện tượng dùng thuốc hóa học để kích thích cây mau phát triển cũng ngày càng tràn lan.
Một cái Tết buồn đang ngấp nghé ngoài cửa các gia đình nông dân Tây Bắc.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments :
Post a Comment