Thursday, April 3, 2014

• Tây Nguyên vào mùa khô


tay-nguyen-305.jpg
Nông dân Tây Nguyên với vườn cao su khô cằn.
RFA

Với người dân Tây Nguyên Việt Nam, mùa nắng luôn hàm chứa lời đe dọa, từ mùa màng cho đến mọi thứ dịch vụ đều phải bị nhân đôi, nhân ba chi phí bởi nắng hạn. Nhất là đối với người làm nghề trồng cà phê, trồng hồ tiêu, những ngày nắng hạn, thủy điện đua nhau tích nước, điều kiện sinh hoạt và tưới cây của người nông dân Tây Nguyên trở nên eo hẹp, co cụm.

Nỗi lo trước mùa nắng

Thường, với những người trồng cà phê và trồng hồ tiêu, mùa Xuân là mùa cây cà phê, cây hồ tiêu trổ hoa, thụ phấn, nếu gặp nhiều trận mưa kéo dài suốt cả tuần hoặc mười ngày thì hoa cà phê không thụ phấn được và số lượng trái sẽ đậu rất ít. Nhưng chuyện trời mưa vẫn còn dễ chịu hơn trời nắng, nếu trời nắng hạn thì dù cà phê có đậu được nhiều trái vẫn chưa chắc đã trúng mùa.
Chị Hải, một người trồng cà phê ở Chư Sê – Gia Lai, chia sẻ: “Chạy dầu là phải có máy nổ 24 để bơm nước lên tưới cà phê. Mình tưới thì rất tốn dầu, như điện ba pha, ví như một hecta thì tốn khoảng 1 triệu tiền dầu nếu dùng máy nổ. Nắng hạn mình phải tưới máy nổ thì nó đắt tiền hơn nữa.”
Cũng theo chị Hải, nếu như Tây Nguyên gặp nắng hạn, vấn đề tưới cây và bón phân sẽ là chuyện rất nan giải đối với người nông dân. Bởi chỉ tính riêng số kw điện phải tăng gấp ba, gấp bốn lần tiền những ngày bình thường và số tiền nộp phí tiêu thụ điện phải tăng gấp bảy, gấp tám lần bởi có kèm theo tiền phạt sử dụng quá định mức nhà nước. Chỉ chừng đó cũng đủ làm người nông dân gặp vô vàn phiền toái, nan giải.
Chị Hải nói rằng chỉ cần nắng hạn liên tục chừng một tháng rưỡi thì cây cà phê hết hy vọng, cho dù nó có đậu trái nhiều cỡ nào đi nữa, dù có bón phân, bơm thuốc dưỡng trái liên tục và tưới mỗi ngày cũng khó mà tin rằng sẽ bội thu. Vì nắng hạn làm cho trái cà phê teo tóp, rụng dần, lượng trái đậu lại rất ít. Hơn nữa, với mức chi phí tưới tiêu, phân thuốc đội lên gấp năm, gấp sáu lần thì cho dù cà phê có tăng giá gấp rưỡi lần, người nông dân vẫn ít có cơ hội làm giàu trên mảnh vườn cà phê của mình.
Và nặng nề hơn hết là theo chị, nguồn nước nhiều năm nay trở nên khó khăn cho người trồng cà phê, phần lớn các con sông, con suối đều cạn khô, trơ đá vì dòng chảy đã bị ngăn, nước đã đổ dồn vào các đập thủy điện. Trong khi đó, mặc dù người nông dân chịu nhiều thiệt thòi trong vấn đề nhường diện tích rừng đầu nguồn cho thủy điện làm mất đi lớp đệm sinh quyển, khí hậu trở nên khô cằn và dữ dội, nguồn nước hiếm hoi, nạn lũ quét xãy ra nhiều hơn và thường xuyên hơn. Nhưng bù vào đó, người nông dân hoàn toàn không được lợi gì từ việc xây thủy điện, giá điện vẫn tăng vùn vụt.

Thủy điện xây nhiều nhưng giá điện vẫn tăng

tay-nguyen-250.jpg
Hồ tiêu Tây Nguyên. RFA PHOTO.
Một người nông dân khác, tên Phục, ở huyện KrongPak, Đắc Lắc, chia sẻ rằng niềm hy vọng và chờ đợi lớn nhất của người nông dân miền núi vẫn là chính sách dành cho nông nghiệp và đầu ra cho sản phẩm. Nhưng dường như đây là hai vấn đề mà chưa bao giờ người nông dân được toại nguyện nếu không nói là đôi lần, người nông dân bị những cái bẫy chính sách và những cú húc thu mua làm cho điêu đứng.
Giải thích thêm vấn đề vừa nói, ông Phục nói rằng sự mong đợi của người nông dân miền núi bao giờ cũng nắm ở chính sách thuế và các ưu tiên. Thế nhưng chính sách thuế đã bị tráo, tuy không đánh thẳng vào thuế nông nghiệp nhưng mọi thứ dịch vụ nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, các công cụ sản xuất nông nghiệp và cả xăng, dầu sử dụng trong việc cày xới, làm đất trước khi gieo trồng đều tăng vùn vụt. Người nông dân luôn trong tình trạng đối phó với những cơn bão giá. Mà bản chất của bão giá, theo ông Phục đánh giá, đó chính là chính sách thuế đã nhúng chân quá sâu vào thị trường. Chính vì vậy, người nông dân trở thành nạn nhân của chính sách thuế và chịu ảnh hưởng của nó nặng nề nhất.
Và những cái bẫy giá, theo ông Phục, nó đến từ hai hướng: những nhà buôn Việt Nam và những thương gia Trung Quốc. Về phía những nhà buôn Việt Nam, họ không ít lần làm cho nông dân thất vọng vì kiểu mua hàng ép giá và đầu cơ tùy tiện của họ. Đương nhiên, người nông dân không thể oán trách họ được bởi người này cần bán, kẻ kia cần mua. Nhưng có một vấn đề hết sức tệ hại là tư thương Việt Nam luôn theo dõi các cánh đồng cà phê và định giá trước mùa thu hoạch từ nửa tháng trở lên. Họ sẽ thống nhất với nhau giá thu mua cà phê, hồ tiêu.
Thường thì mùa cà phê, hồ tiêu trúng vụ, giới nhà buôn sẽ đè giá thành xuống thấp so với bình thường và thu mua chậm chạp. Chính kiểu thu mua này làm cho người nông dân nóng lòng phải bán tháo cà phê để có tiền trả nợ phân, thuốc, xăng dầu, điện và công lao động. Và thường đến giữa vụ, khi cà phê trở lại thời kì trổ bông thì lúc này nhà buôn mới tung cà phê ra thị trường, giao dịch mua bán theo nhiều cách. Lúc này, giá cà phê cao hay thấp đều mang lợi cho nhà buôn chứ không mang lợi cho người nông dân bởi nông dân đã bán hết cà phê trước đó cả tháng trời.
Vấn đề tư thương Trung Quốc cũng là mối nguy rất lớn đối với người nông dân, phần lớn thị trường mua bán cà phê và hồ tiêu của Việt Nam nằm trong tay họ. Dường như hầu hết nhà buôn Việt Nam đều bị chi phối nặng bởi họ. Trên hình thức thì nhà buôn Trung Quốc khó mà qua mặt được các hiệp hội cà phê của Việt Nam, nhưng trên thực tế, họ đã không ít lần thao túng và làm chao đảo thị trường cà phê, hồ tiêu xứ Tây Nguyên. Đơn giản, họ chỉ cần nhắm ngay lúc nơi này khan hiếm cà phê, mua giá cao và sẵn sàng mua cả rễ tiêu, tiêu non, cà phê chưa chín… Thì thị trường ở đây bắt đầu lung lay.
Nông dân bị lừa, nhà buôn thì tung cà phê ra bán, khối lượng dự trữ để điều tiết thị trường gần như trống không. Một khi các kho cà phê trống rỗng, giá cà phê, giá tiêu tăng vùn vụt thì nông dân lại thi nhau trồng cà phê, trồng tiêu không cần suy nghĩ khiến cho lượng cung nhiều hơn lượng cầu, đến mùa thu hoạch, nhà buôn Trung Quốc trốn luôn, không xuất hiện nữa, lúc này giá cà phê, hồ tiêu sẽ giảm xuống một cách thảm thương vì lượng cung nhiều hơn cầu. Và người trả giá đắt nhất, thậm chí là phá sản, không ai ngoài nông dân.
Lại một mùa nắng hạn nữa đang đến, người nông dân Tây Nguyên tiếp tục đối diện với một chu trình làm kinh tế hết sức mơ hồ, bấp bênh!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments :

Post a Comment