Tuesday, April 8, 2014

• Nỗi buồn những cánh đồng thuốc lá Tây Ninh


thuoc-la-tay-ninh-305.jpg
Một cánh đồng thuốc lá ở Tây Ninh.
RFA

Thường thì nói về xứ đạo, người ta hay nghĩ đến những địa danh như La Vang – Quảng Trị, Trà Kiệu – Quảng Nam, Bùi Chu, Phát Diệm ở Xuân Lộc, Đồng Nai… Nhưng có một nơi cũng là xứ đạo có bề dày gần một trăm năm nay với tôn giáo Tam Kì Phổ Độ hay còn gọi là Phật Giáo Cao Đài mà ít ai gọi là xứ đạo. Trên thực tế, đây là xứ đạo có màu sắc tôn giáo rất đậm nét và những giới luật đạo pháp của họ cũng hết sức trang nghiêm. Người nông dân xứ đạo cũng có những nét dị biệt so với nơi khác, cần mẫn làm việc và chấp nhận mọi rủi ro như một sự an bài của bề trên. Nhưng năm nay, tình hình kinh tế quá bi đát khiến cho những nông dân làm thuốc lá ở Tây Ninh có suy nghĩ khác.

Thuốc bị rớt hạng và giảm giá

Một nông dân làm thuốc lá tên Diệp, ở ấp Bàu Tràm, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, than thở, tình hình sản xuất thuốc lá ở Tây Ninh năm nay thật sự bi đát, mặc dầu mới nhìn vào, ai cũng có thể nhầm tưởng là thuốc lá Tây Ninh bội thu, thậm chí một số đài, báo trong nước cũng loan tin bà con nông dân Tây Ninh trúng đậm thuốc lá, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác. Chưa có năm nào mà nông dân phải mừng hụt như năm nay. Nhìn vườn thuốc lá xanh mướt nhưng thu chẳng bao nhiêu đồng, bỏ thì tiếc.
Cũng theo ông Diệp, sở dĩ người nông dân thất bại là vì nhiều nguyên nhân nhưng trong đó, nhà buôn được nhiều thứ ưu tiên để ép người nông dân và giá đất tăng quá cao vẫn là hai nguyên nhân chính. Sau đó, cũng giống như nông dân nhiều nơi khác, giá chi phí, giá ngày công lao động cũng gây sức ép rất nặng trên lưng người nông dân.
thuoc-la-tay-ninh-250.jpg
Nông dân ở Tây Ninh xâu thuốc lá để phơi và sấy. RFA PHOTO.
Nếu như mọi năm trước, tuy thuốc lá không xanh tốt và trúng vụ như năm nay nhưng người trồng thuốc lá thấy đỡ chật vật hơn vì cách chia hạng thuốc của các trạm thu mua nới lỏng hơn. Thuốc lá thường được chia thành năm hạng, loại xếp hạng một có giá cao nhất, từ bốn mươi đến bốn mươi lăm ngàn đồng một xâu nặng tương đương một ký lô, hạng này có lá đẹp, không bị vàng, không có sâu bọ và không bị rách. Hạng hai thì xấu hơn một chút và cho đến hạng năm là hạng bét nhất, thường thì thuốc cuối mùa, loại nhặt nhạnh được xếp vào hạng năm với giá thành từ mười đến mười hai ngàn đồng mỗi xâu.
Thế nhưng mùa này, hạng một bị kiểm tra quá gắt gao, hầu như mọi tay thuốc hạng một có chất lượng tốt hơn chất lượng của hạng một năm ngoái vẫn bị đẩy xuống hạng hai, thậm chí hạng ba. Không dừng ở đó, những xâu thuốc hạng hai lại bị đẩy xuống hạng ba, hạng bốn, cuối cùng, trên một cánh đồng rộng hàng chục hecta, thay vì thu hàng chục tấn thuốc lá hạng một như mọi năm, người nông dân chỉ còn biết cắn răng mà chịu đựng nhà buôn mua thuốc với giá thấp. Mà nếu không bán cho họ thì cũng chẳng biết sẽ bán cho ai, gần như họ độc quyền thị trường.

Chính sách dành cho nông dân bị đánh tráo

Một người nông dân khác, yêu cầu giấu tên, cho chúng tôi biết: “Năm nay không có lời, vì giá diêm (giá phân) và giá mua đều do họ, không có giá quy định từ ban đầu, ví dụ như giá phân ở ngoài khoảng 500 ngàn một bao mà chủ lò nó tính một triệu rưỡi mình cũng chịu. Còn giá thuốc ví dụ họ bán 100 ngàn mà họ mua 50 ngàn chúng tôi cũng chịu. Trong chủ lò họ toàn tính giá phân cao hơn ở ngoài, mình biết cũng chịu, giống như là buôn bán chợ đen vậy đó. Chỉ có là họ hứa họ thu mua hoặc là đôi lúc mình cần thì họ cho mình mượn tiền.”
Theo ông này, tình hình thu hoạch thuốc lá ở Tây Ninh năm nay rất xấu, cho dù giá thuốc có tăng thêm gấp rưỡi lần thì chưa chắc người nông dân có lãi. Hiện tại, với hai hecta rưỡi diện tích thuốc đang thu hoạch trong tay, ông chỉ mong sao huề vốn là tốt lắm rồi. Nguy cơ thua lỗ trong nghề thuốc lá ở đây là thấy rõ trước mắt.
Ông giải thích thêm, sở dĩ người nông dân chỉ mong huề vốn, đừng thua lỗ là vì hai nguyên nhân chính: Giá thành bấp bênh và; Chính sách ưu tiên cho người nông dân đã bị đánh tráo cho nhà buôn. Thay vì ưu tiên cho người nông dân có đủ vốn và các phương tiện cần thiết để sản xuất thì ở đây, những thứ gì ưu tiên đều rơi vào tay nhà buôn, nhà nông trở thành kẻ đi vay nợ trầm kha.
thuoc-la-tay-ninh-2-250.jpg
Nông dân ở Tây Ninh thu hoạch thuốc lá. RFA PHOTO.
Nói rõ hơn, ông này đưa ra những gói cho nông dân vay có tên trong chính sách nhà nước nhưng trên thực tế, người nông dân chưa hề chạm tay tới nó. Mà thay vào đó, nếu như trước đây nhà buôn dè đặt, mua bán phải tình phải lý thì bây giờ, họ thẳng tay ép người nông dân. Ví dụ như chuyện bán phân cho nhà nông chẳng hạn.
Thường thì người nông dân không có tiền trên tay, thứ họ có được duy nhất là sức lao động và một ít vốn để thuê đất. Chỉ riêng việc thuê đất trồng cây thuốc, mỗi năm tốn chừng hai chục triệu đồng trên cánh đồng chưa đầy hai hecta, sau đó bỏ vốn mua cây giống, thuê công lao động trồng và chăm sóc… Người nông dân không tài nào đủ vốn để mua phân bón, họ buộc lòng phải mua nợ của nhà buôn. Và đây là chỗ đáng sợ của người nông dân.
Vì nhà buôn đầu tư phân bón cũng chính là nhà thu mua sản phẩm. Thường thì giá phân bón trên thị trường bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều so với giá phân bón của nhà buôn. Nhưng người nông dân buộc phải mua phân của nhà buôn có chấp nhận mức lãi suất rất cao, từ 20% đến 30%, có như thế, nhà buôn mới chịu thu sản phẩm trong vụ thu hoạch.
Sở dĩ nhà buôn dám lấy mức lãi cao như vậy vì họ được trá hình trên danh nghĩa hợp tác xã hoặc chủ đầu tư dự án nông nghiệp, họ được phép đầu tư cho nông dân và thu lãi. Và người nông dân hoàn toàn tùy thuộc vào những nhóm người gọi là hợp tác xã, nhà đầu tư này, vấn đề sản phẩm loại gì, chọn loại thuốc lá nào để trồng đều do họ quyết định, nếu người nông dân không trồng theo yêu cầu của họ, khi thu hoạch, chẳng có ma nào ngó tới cả núi thuốc lá nằm vất vưởng trên đồng.
Chính vì qui trình khép kín này, người nông dân không có lựa chọn nào khác khi đầu tư mặc dù họ thừa sức biết rằng nếu mua phân bên ngoài giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều và nếu bán sản phẩm tự do, lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều.
Hiện tại, người trồng thuốc lá ở Tây Ninh đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ bởi chính sách dành cho người nông dân hoàn toàn không có và mọi ưu tiên đều nghiêng về phía nhà buôn, mà sâu xa hơn chính là những đầu nậu Trung Quốc đứng sau lưng những nhóm tư thương trá hình hợp tác xã, chủ đầu tư.
Người nông dân Tây Ninh đang đón một mùa vụ nhiều buồn bã, lo âu!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments :

Post a Comment