Thursday, April 10, 2014

• “Người Việt xấu xí” – Lá thư từ người bạn Nhật


nguoi_viet_xau_xi_305.jpg
Hình ảnh thiếu văn hóa tại nhà hàng buffet ở Việt Nam (ảnh minh họa).
Courtesy VTC
Kính Hòa, phóng viên RFA

Diễn đàn Bạn trẻ có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.

Cái nhìn trung thực

Kính HòaChào bạn Tiến từ Hà nội và bạn Sỹ từ Đắc Nông. Hôm nay Kính Hòa mời hai bạn đến với diễn đàn bạn trẻ. Thưa hai bạn, vừa rồi trên mạng có truyền nhau một lá thư của một bạn trẻ người Nhật gửi các bạn trẻ Việt Nam. Trong đó có nói nhiều về tật xấu của người Việt, cũng như những điều mà người Việt tự hào về mình mà lại không thực tế. Lá thư này làm dấy lên trên mạng những làn sóng chỉ trích cũng như đồng ý. Còn hai bạn?
Tiến: Em đã đọc qua các bức thư của bạn trẻ người Nhật ở Việt Nam nói về những vấn đề văn hóa của người Việt. Những điều cô ấy nói đều đúng cả đấy anh. Em không phản đối điều gì bạn ấy nói cả.
Bạn trẻ người Nhật này có cái nhìn rất trung thực. Và dường như là cũng quan sát rất là lâu rồi, nên những gì bạn ấy nói nó đi thẳng vào thực tế cuộc sống của các bạn trẻ ở Việt Nam mình.
-Bạn Sỹ
Sỹ: Theo em thì thấy bạn trẻ người Nhật này có cái nhìn rất trung thực. Và dường như là cũng quan sát rất là lâu rồi, nên những gì bạn ấy nói nó đi thẳng vào thực tế cuộc sống của các bạn trẻ ở Việt Nam mình. Em rất là đồng ý với những điều bạn ấy nói.
Kính HòaNhưng mà mình thấy thế này: những chuyện như là mánh mun lọc lừa, ăn cắp vặt, như là bên Đài Loan dán thông cáo coi chừng người Việt trong siêu thị, rồi tiếp viên hàng không Việt Nam tiêu thụ đồ gian… Nhưng những cái đó chắc là có trong tất cả các cộng đồng dân tộc khác đúng không?
Sỹ: Dĩ nhiên là những chuyện như vậy ở đâu cũng có, nhưng mà ở người Việt mình có quá nhiều.
Tiến: Em nghĩ rằng ở bất cứ cộng đồng nào thì chuyện dối gian, tệ nạn đều có. Nhưng em lại thấy là trong văn hóa Việt Nam không những có những điều đó mà nó còn được cổ súy. Tất nhiên không được nói thẳng ra mà qua những câu như là Thật thà thì thua thiệt. Mình có một thứ văn hóa không chính thức cổ súy cho những cái dối gian của xã hội. Cái cách sống luồn lách lươn lẹo được cổ súy mặc dù không chính thống nhưng nó rất đại chúng.
Kính HòaCó những ý kiến cho rằng những thói hư tật xấu của người Việt tăng lên trong một hai thế hệ gần đây?
Sỹ: Theo em thì vấn đề này là đúng. Những năm gần đây khi em bắt đầu quan sát cuộc sống xung quanh thì em thấy như thế. Đúng là giới trẻ của Việt Nam bây giờ thói hư tật xấu quá nhiều. Mình du nhập nhiều điều từ các nước nhưng không có chọn lọc, rồi không có ai định hướng mình trong cuộc sống là làm thế nào cho đúng. Cho nên em nhận thấy giới trẻ ngày càng bậy bạ.
phohoa_020109sapo-305.jpg
Phố hoa Hà Nội Tết 2009 bầm dập vì người dân chen nhau chụp ảnh, bẻ trộm hoa.
Tiến: Em thấy trong các thế hệ gần đây văn hóa xấu tăng dần theo cái chúng ta thực hiện kinh tế thị trường. Nó bộc ra, không còn dấu giếm nữa.
Kính HòaNhưng nếu chúng ta nói đén kinh tế thị trường thì cũng giống cái cách nhà cầm quyền hay nói rằng mặt trái của kinh tế thị trường gây ra những tiêu cực trong xã hội?
Tiến: Vâng điều đó hơi ngụy biện vì các quốc gia văn minh đều có kinh tế thị trường. Nhưng mà ở nững nước đó thì những thói lọc lừa ở mức độ chấp nhận được, tức là bất cứ ai gian lận đều bị trừng phạt, bị pháp luật nghiêm trị. Cho nên câu hỏi đặt ra cho chính quyền là tại sao chúng ta không có pháp luật để trừng trị nghiêm minh những giả dối trong xã hội.

Vì sao nên nỗi?

Kính HòaTrong lá thư của bạn trẻ Nhật có câu hỏi chỉ có bốn chữ là: Vì sao nên nỗi? Các bạn đồng ý là những thói hư tật xấu có nhiều trong giới trẻ. Vậy liệu có phải nguyên nhân là do giáo dục không?
Sỹ: Em đồng ý. Nói chung là để hình thành nhân cách, văn hóa của một con người thì nó cần nhiều yếu tố. Tuy nhiên yếu tố đầu tiên cần nhắc đến là giáo dục. Vì giáo dục là nơi đào tạo ra mọi mặt của một con người. Trong đó mình phải học lịch sử, giáo dục công dân hay văn học gì đấy! Qua đó mình học hỏi nhiều vấn đề. Rồi thầy cô là những tấm gương.
Mà bây giờ thì trên lớp chẳng có giờ học nào nói rằng mình ra đường phải cúi đầu chào, hay là phải xếp hàng giống như bên Nhật cả. Những điều đó mình học một cách máy móc, chẳng ai định hướng cho mình văn hóa cuộc sống là như thế nào.
Sự răn đe của pháp luật làm cho những người có ý nghĩ phạm tội phải chùn bước. Nói chung là chúng ta chưa có cái gọi là pháp luật.
-Bạn Tiến
Hiếm lắm trên truyền hình mới có vài ba cái clip ngắn, nói về chuyện đi xe phải như thế nào, nơi công viên thì phải vất rác ra sao. Nó rất ngắn, nó không đủ để tác động vào con người mình.
Em thấy vấn đề giáo dục rất là quan trọng, ảnh hưởng rất là lớn. Đương nhiên là còn môi trường sống bên ngoài nữa, rồi gia đình. Nhiều cái khác nữa, nhưng em nghĩ cái giáo dục là cái quan trọng nhất.
Tiến: Em nghĩ giáo dục là quan trọng. Giáo dục Việt Nam kém như người ta gọi là mất từ gốc. Tạo nên thói gian trá trong xã hội hôm nay.
Nhưng giáo dục chỉ là một phần thôi. Cái quan trọng nữa là cái xã hội của chúng ta không có pháp luật nghiêm minh. Những thành viên phạm tội phải bị trừng trị, hay là nó phải răn đe để sự phạm pháp không xảy ra. Sự răn đe của pháp luật làm cho những người có ý nghĩ phạm tội phải chùn bước. Nói chung là chúng ta chưa có cái gọi là pháp luật.
Kính HòaCó một tổ chức của nhà nước tham gia vào việc giáo dục và “quản lý” thanh thiếu niên Việt Nam là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Vào mùa hè cũng thấy họ tổ chức mùa hè xanh để đưa các bạn trẻ về quê làm những công việc có tính chất phục vụ cộng đồng. Các bạn thấy những việc đó có tác động gì hay không? Tác động đến việc hình thành đại đức và nhân cách của thanh thiếu niên một cách tốt đẹp?
Sỹ: Theo em nghĩ thì vấn đề này trong những cái mình thấy được, em không nói là tích cực hay tiêu cực, mà là những cái thấy trên bá chí hay truyền hình, thì dường như cái đó nó rất là tốt, tác động được đến giới trẻ hiện giờ.
Nhưng mà em thấy những điều đó thực chất cũng là muối bỏ biển thôi. Vì những điều họ làm nó rất ít, không đủ đi sâu vào nhận thức của giới trẻ. Em thấy nó mang tính hình thức. Cả năm trời thì may ra có năm bảy anh chàng hay cô nàng trẻ trẻ mặc cái áo màu xanh gọi là thanh niên tình nguyện, dạy cho các em thiếu niên chơi dăm cái trò thế là xong. Một hai hôm đó làm gì tác động được đến ý thức, tại được nhân cách? Hay là tạo được một sân chơi lành mạnh. Em nghĩ điều đó chưa đủ. Những điều tốt đẹp nhất mình thấy trên báo trên truyền hình thôi, còn những điều không hay chẳng ai thấy cả.
Kính HòaRất cám ơn bạ Tiến ở Hà nội và Sỹ ở Daknong đã tham gia diễn đàn hôm nay.
Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặcvietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đếnhttps://www.facebook.com/kinhhoa.rfa Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.

No comments :

Post a Comment