
Nhóm HOPE tặng vật phẩm cho người dân Bokul, Dak Nông tháng 9/2012
Photo courtesy of HOPE
Các bạn trong nhóm HOPE, Hy Vọng, là những sinh viên đã ra trường, đã có công ăn việc làm, luôn theo đuổi những công tác xã hội thật thầm lặng và khiêm tốn, luôn mơ ước những chuyến đi hai tháng một lần về những vùng sâu vùng xa trong nước.
Sưởi ấm Bokul
Với phương châm và kim chỉ nam là san sẻ và cố gắng, mà từ năm ngoái Thanh Trúc đã giới thiệu các thành viên như Hân, Khang, Luân, Ngân và Hưng đến với quí vị. Hôm nay, bạn Ngân, đại diện cho nhóm trở lại cùng Đời Sống Ngừơi Việt Khắp Nơi, trình bày thêm:
Bên em nhân lực thì cũng ít mà mấy bạn thì cũng có công việc để kiếm sống nên các thời gian đi bị thưa ra, nhưng mà cố gắng kiếm những vùng sâu vùng xa . Đi nó hơi cực và nhất là kinh phí nhiều cho các bạn thiện nguyện viên vì phải tốn tiền xe, tiền ăn tiền uống nhưng mà cũng cố gắng đến những vùng đó để chia sẻ, động viên, để giúp họ có chút xíu niềm vui thôi chứ thực sự 10 ký gạo, nước tương, nước mắm thì cũng chỉ là động viên các bạn khi công việc chưa tới thì nhà cũng có gạo mà ăn.
Tụi em làm ít chương trình nhưng mà nó về với bà con những chỗ hẻo lánh. Xa quá thì tay tụi em với không tới được nhưng mà cố gắng đi những nơi đó để san sẻ.
Trong hơn hai năm qua, HOPE đã hoàn tất những chuyến đi nghe ra thật thơ và thật mơ mà thực tế là biết bao nhọc nhằn, thí dụ chuyến đi mang tên Trăng Thu Vĩnh Long, về xã Phú Lộc, huyện Tâm Bình và xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long:
Về với miền Tây, phát bánh trung thu rồi phát quả cho các hộ dân, cũng 170 hộ, rồi cũng phát cho 140 em tập viết, bánh trung thu, lồng đền, tổ chức trò chơi cho các em.
Sưởi Ấm Bokul, một hành trình qua nhiều đồi dốc cheo leo để tới làng Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông, phát quà, lồng đèn, đón trung thu cùng các em dân tộc nơi này hồi tháng Chín 2012, rồi thì những chuyến tiếp sau đó, Ngân trình bày chi tiết:
Trung thu tụi em làm ở Gia Nghĩa,Dak Nông. Trong vùng đó thì cuộc sống người dân tộc bấp bênh lắm, đến mùa chè thì đi hái chè hoặc đi hái cà phê thôi, làm 3 bữa nghỉ 4 bữa, khó khăn lắm. Thật sự nếu muốn giúp họ vượt qua cái nghèo thì phải có một cái gì đó cho họ làm kinh tế để họ mưu sinh hàng ngày.
Tháng Mười Hai tụi em lại đi hộ nghèo ở dưới Long An. Trước Tết thì tụi em lại xây nhà cho một bà cụ ở dưới Long An. Cụ nghèo, hơn 70 tuổi, có con gái bị bệnh tâm thần, tụi em xây nhà cho cụ. Xây nhà xong thì 2013 HOPE đi vùng biên giới.
Đây là chuyến đi mang tên Sẻ Chia Vùng Biên Giới, thăm xã Thạnh Hòa, Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, giáp ranh Kampuchia:
Đi như vậy thì 170 cây,sáng đi chiều về, cũng phát quà và những gì cần thiết cho các hộ dân nghèo.
Xã Thạnh Hòa có 500 hộ dân mà hơn 300 hộ thuộc diện khó khăn.
Kế tiếp là Đồng Me với tên Sáng Mãi Đồng Me, một thôn nghèo trên vùng cao của xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận , nơi không điện, không nước, có 347 hộ dân thì số nhà nghèo chiếm hơn một nửa:

Một căn nhà người dân thôn Đồng Me, tỉnh Bình Thuận. Photo courtesy of HOPE
Đồng Me thì người dân tộc cũng nhiều, đa số nhà ở đó không có điện. Đời sống ở đó là chỉ có một cái nhà máy thôi, bao nhiêu người vô đó làm, còn những người sau này thì không có chỗ làm ổn định. Chiều tới thì có một cái giếng mà bao nhiêu người xúm lại tắm giặt. HOPE có mong muốn là quyên góp được khoảng 10 đến 15 triệu để xây một cái giếng ở ngay thôn Đồng Me đó.
Hãy còn nhiều những nơi khác cho đến chuyến đi dự định cuối 2013 này, Ấm Lòng Mùa Đông Lộc Châu, một xã ở Bảo Lộc có đa số người dân tộc K’hor, có 200 hộ nghèo và 300 hộ cận nghèo trong số trên một ngàn hộ dân sinh sống tại đó:
Hộ nghèo là thu nhập bình quân đầu người một tháng khoảng 400.000 ngàn đồng. Trên 400.000, thí dụ 410.000 ngàn, là hộ cận nghèo. Nhưng mà nhóm HOPE vì sức có hạn nên chỉ nhận hộ nghèo thôi, hộ cận nghèo thì tụi em không lo được hết.
Đời sống người dân quá nghèo
Chắc hẳn cũng nhờ HOPE và qua HOPE mà quí thính giả có thể mường tượng cuộc sống của đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh, được nghe các bạn tâm sự là có đi mới biết nhiều nơi trên đất nước mình còn nghèo quá, trong đó có xã Lộc Châu, Bảo Lộc, mà HOPE đang hướng tới với chương trình Ấm Lòng Mùa Đông Lộc Châu tháng Mười Hai năm nay:
Trong vùng sâu thì người dân tộc thiếu thốn lắm, điều kiện học hành không có, trình độ dân trí không cao nên họ không có kế họach hóa gia đình, họ có nhiều trẻ em lắm nên nhiều khi một mình sức người chồng không đi làm nuôi nổi.
Trước kia người Thượng ở Lộc Châu từng sở hữu đất, nhưng thời đó bây giờ không còn nữa:
Lúc mà người Kinh mình vô thì cứ mua đất dần khiến họ cũng bán dần. Có người thì giữ lại được một sào hai sào để trồng một vài cây cà phê. Do người làm chủ chốt thì ít mà họ bị vướng gia đình quá đông con, trẻ em quá nhiều nên kinh tế của họ không làm tốt được, không phát triển được.
Trường học thì cũng có hỗ trợ của nhà nước nên cũng tươm tất cho các em nhưng mà vấn đề đi lại rất khó khăn. Em nào có xe đạp thì bạn này đi ké bạn kia đi ké, nhưng mà đường xa với lại dốc rất nhiều nên có nhiều em nhỏ xíu mà đi hết con dốc luôn thấy tội lắm. Để các em có động lực học qua Cấp Một, Cấp Hai, có kiến thức nhiểu hơn để đổi đời tốt hơn ba mẹ thì phải có sự hỗ trợ của nhà nước.
Người lớn ở Lộc Châu chừng như không mấy ai có được một công việc vững chắc:
Ở đó thì dân tộc K’hor nhiều, mùa lạnh này họ chỉ đi thu hoạch trà thôi, một tháng làm được vài ngày thôi, hoặc là có những xí nghiệp những công ty làm gỗ mỹ nghệ gì đó thì họ vô họ phụ hoặc là bốc vác chứ không phải là công việc đều đặn, không có lương hàng tháng, làm ngày nào ăn tiền ngày đó. Nói chung là mùa nào họ cũng có những cái khó riêng hết. Ví dụ một lần đi rẫy họ phải mang cơm theo, ở trong rẫy một hai ngày chứ không phải như mình sáng đi chiều về. Hoặc là họ chăn vịt chăn dê, đi một vòng cái núi, họ phải đem theo lương thực đủ ăn , hai ba ngày họ mới về tới xóm.

Một căn nhà lá của người dân Lộc Châu, Bảo Lộc.
Không chỉ mất dần đất canh tác, công ăn việc làm khó khăn, vùng đất Lộc Châu lại hay bị ngập lụt, Ngân giải thích:
Ở đây mùa khô thì nó chỉ lạnh thôi nhưng mùa mưa thì lầy lội lắm, cực khổ đủ điều không thể tưởng tượng đâu. Nhiều khi ở trên núi mà đốn cây nhiều quá, chặt phá rừng làm vùng đó bị ngập lụt. Thật sự nghe nói trên núi bị lụt thì hơi mắc cười mà thật sự có những trường hợp như vậy.
Để chuẩn bị cho chuyến đi Ấm Lòng Mùa Đông Lộc Châu, trước đó HOPE đã cử một nhóm tiền trạm lên xã này để tìm hiểu thực tế. Lúc trở về, HOPE đã quyết định quyên góp 165 phần quà cho các nhà nghèo ở Lộc Châu:
Từ Sài Gòn đón xe lên đó là 200 cây, 1 giờ sáng đi thì 6 giờ sáng tụi em tới rồi đi vô trong xã, xe máy để ở ngoài và phải đi bộ vô trong gần cả cây số. Ở đó toàn là đá, khó đi lắm, không bằng phẳng như quốc lộ đâu. Nhưng mà tụi em mong muốn tới thăm từng nhà để biết thêm tình hình, để về có những hình ảnh tư liệu cho các bạn thấy là minh cần san sẻ cho mùa đông Lộc Châu thêm ấm chút xíu.
Mấy đứa bé trong gia đình tụi em tới thăm thì tụi em giúp mấy em đó ít tập, ít vở, rồi cho gia đình gạo, nước mắm, muối đường, những nhu yếu phẩm cần thiết cho họ vượt qua cái nghèo cái đói chứ thấy ra ăn lá trà với cơm hoặc là chỉ đào củ khoai củ mì nghe cũng xót lắm.
Nếu mà dư kinh phí tụi em hỗ trợ thêm mì gói hoặc xà bông này nọ. Còn các em thì tụi em sẽ cho bánh kẹo, tập viết để hỗ trợ cho Học Kỳ 2 tại vì qua tháng Mười Hai là tụi nhỏ bắt đầu Học Kỳ 2 rồi.
Được biết nhóm HOPE phải dành ra gần 9 triệu đồng để mua bút viết và tập vở cho 180 học sinh Cấp Một và Cấp Hai tại Lộc Châu. Tính luôn phí tổn đong gạo. mua nước mắm, muối và bột ngọt thì tổng cộng số tiền cần cho Ấm Lòng Mùa Đông Lộc Châu vào khoảng 30 triệu.
Nếu tiền quyên góp từ các thành viên HOPE và các nhà mạnh thường quân của nhóm vượt quá 30 triệu như các bạn mong ước, các hộ nghèo ở Lộc Châu sẽ có thêm mì gói, dầu và xà phòng:
Tại vì họ ở trong vùng sâu vùng xa cách đó 5 cây mà họ đi bộ không, hẹn 5 giờ chiều chứ 1 giờ trưa là họ ngồi trước ủy ban đầy hết rồi, nghe tội lắm. Nghe có người quan tâm đến mình, tặng quà cho mình thì vui lắm nên họ ra từ sớm. Tụi em cũng sẽ gắng tranh thủ làm sớm, để họ ngồi đợi mình xót lòng lắm.
Tụi em chỉ nghĩ sức mình làm được cái gì thì làm thôi chứ tụi em cũng có cuộc sống riêng. Nếu mình muốn đổi mới một cái gì thì tụi em phải có nhiều tâm huyết rồi chương trình phải cần dài hạn thì tụi em phải đầu tư vô đó nhiều rồi phải quan hệ quen biết nhiều.
Có những cái no khúc mắc nó nhiều quá nên tụi em chỉ là chia sẻ được cái gì thì tụi em chia sẻ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn đó nhưng tụi em muốn tới để có những ánh mắt, nụ cười … dù chỉ là thoáng qua thôi bởi họ cũng biết là họ sẽ quay về với cuộc sống vất vả, lo toan. Tụi em nghĩ là mình đi san sẻ để có những niềm vui cho nhau.
Phải san sẻ để có niềm vui cho nhau, bởi thế chưa xong Ấm Lòng Mùa Đông Lộc Châu thì các bạn trẻ của HOPE lại nghĩ ngay tới một vùng xa xôi khác, có thể trong Nam, ngoài Trung, phía Bắc hay một nơi nào đó mà các bạn chưa vội công bố. Thanh Trúc tin rằng đó phải là nơi mà ít ai đặt chân tới.
No comments :
Post a Comment