Con đến cơ quan để giết cha
Trên tờ Congan cho biết, khoảng 16h chiều ngày 1-4, tại nhà máy của Cty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Môi trường Ánh Dương(Quận Liên Chiều, Đà Nẵng) xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng, làm một người chết. Hung thủ là tên Nguyễn Phước Linh(SN 1991) đến tìm cha mình là ông Nguyễn Đức Thương(SN 1963).
Lúc này, hai cha con nói chuyện to tiếng rồi bất ngờ tên nghịch tử cầm gạch ném về phía nạn nhân. Giám đốc cty là bà Nguyễn Đặng Mỹ Uyên nhìn thấy sự việc đã chạy tới can ngăn nhưng Linh vẫn lao tới quyết hành hung cha. Ông Thương bỏ chạy, đứa con bất hiếu này vẫn tiếp tục rượt đuổi, dùng dao đâm nhiều nhát vào người ông Thương khiến nạn nhân gục ngã, tử vong tại chỗ.

Lực lượng công an đang khám nghiệm hiện trường, tử thi. Ảnh: Báo Công An
Sau khi sát hại cha mình, tên Linh hoảng loạn chạy ra cổng, bỏ trốn khỏi hiện trường. Đến khoảng 18h30 cùng ngày, đối tượng này bị Cơ quan công an quận Liên Chiểu bắt giữ. Được biết, mẹ của hung thủ bị căn bệnh tâm thần đã lâu, bản thân tên Linh cũng có triệu chứng của căn bệnh tâm thần nhưng vì nhà nghèo nên chưa có điều kiện chữa trị.
Do “ngáo đá” con trai giết chết, làm bị thương anh trai
Trên tờ Tiền Phong cho hay, ngày 2-4, cơ quan điều tra Công an quận 10 ở Sài Gòn cho biết đã tạm giữ hung thủ Tô Minh Nhật Hải(SN 1981)-nghi can chém chết mẹ vào gây trọng thương anh ruột để lập hồ sơ, xử lý.
Theo tờ báo này thì vào đêm 1-4, Hải tổ chức nhậu nhẹt với đám bạn trong khu vực chợ Nhật Tảo. Khoảng 23h đêm cùng ngày, thấy Hải về nhà trong tình trạng say xỉn, bà Hòa(nạn nhân) khuyên con đi ngủ nhưng Hải không nghe.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, xử lý vụ việc.Ảnh: Tuổi Trẻ
Lợi dụng lúc bà Hòa không để ý, Hải lấy con dao trong nhà ra mở cửa đi chơi, nhưng bị bà Hòa cản lại. Bực tức Hải vớ lấy con dao đâm một nhát chí mạng vào vùng lưng khiến bà Hòa gục tại chỗ.
Nghe tiếng động dưới nhà, anh Công(anh ruột hung thủ) chạy xuống phát hiện sự việc liền xông vào ngăn can cũng bị em ruột quơ dao khiến bị thương ở vùng trán.
Theo nhiều người dân địa phương, Hải là người sống hiền lành, không có mâu thuẫn gì với hàng xóm chung quanh. Hằng ngày Hải ở nhà phụ bà Hòa bán cà-phê ngay trước cửa nhà ở chợ Nhật Tảo. Tuy nhiên, thời gian gần đây Hải có biểu hiện sử dụng ma túy đá, bà Hóa biết chuyện nên thường ngăn cản Hải đi chơi.
Hiện Tô Minh Nhật Hải đang được tạm giữ và lấy lời khai ban đầu về nguyên nhân, động cơ giết chết mẹ ruột

Ngôi nhà xảy ra vụ Sáu đâm chết anh trai mình. Ảnh: Sohanews
Tranh chấp đất đai, em trai giết anh
Trong khi đó, ở Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, chỉ vì mâu thuẫn chuyện đất đai, tên Hoàng Văn Sáu(SN 1987) đã đoạt mạng anh trai ruột của mình.
Khoảng 18h ngày 28-3, tại nhà anh Hoàng Văn Ba (SN 1982) ở thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tổ chức uống rượu. Trong số người dự có Hoàng Văn Kha (Sn 1976) và Hoàng Văn Sáu (SN 1987) ở cùng thôn. Khi ăn uống, Sáu bảo với Kha rằng muốn bán phần đất được cha mẹ cho chia nhưng không được anh trai chấp thuận nên dẫn đến xích mích.
Trong lúc lời qua tiếng lại, Sáu cầm bát ném thẳng vào người anh Kha. Anh Kha mắng em trai vì dám đánh cả anh mình. Không chịu nhịn anh, Sáu chạy xuống bếp lấy dao nhọn lên đâm vào ngực Kha. Kha ngay sau đó chết trên đường đi cấp cứu.
Đến 1h sáng ngày 29-3, hung thủ Hoàng Văn Sáu ra đầu thú. Tại cơ quan điều tra, Hoàng văn Sáu thành khẩn khai nhận mọi tội lỗi của mình. Theo Sáu, vì muốn tách riêng phần đất của mình để bán lấy tiền đầu tư kinh doanh nhưng không được đồng ý nên tức giận. Vì thế, trong cuộc rượu đã dấn đến vụ việc trên.
Đằng sau bản án tử hình
Hẳn nhiều người còn nhớ đến vụ cướp táo bạo trên cầu Phú Mỹ, hung thủ đã chặt tay nạn nhân để cướp vào tối ngày 24-11-2012. Hung thủ chính trong vụ án là Hồ Duy Trúc (SN 1993) ngay sau đó đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Trong phiên sơ thẩm xử Hồ Duy Trúc và đồng đảng, Trúc bị tuyên án tử hình. Và trong lần xử phúc thẩm, mặc dù đã được chính nạn nhân của Trúc viết thư xin giảm án nhưng tòa vẫn giữ y án. Theo tòa, Trúc là côn đồ chuyên nghiệp, mất hết nhân tính, từng phải nhận 2 bản án khác, Tòa án nhân dân Tối cao quyết định giữ nguyên mức án tử hình dành cho tướng cướp này. Song, điều đáng nói là những mãnh đời phía bản án tử hình kia.

Hồ Duy Trúc tại tòa. Ảnh: Tuổi Trẻ
Trên báo BBC Việt ngữ, tác giả Nguyễn Lễ có bài “Bi kịch một ‘tướng cướp’” đã nói: Bi kịch đó trước hết là nỗi đau tận cùng của gia đình Trúc.
Đứa con đầu lòng là cả bầu trời đối với người cha, nhưng một đứa bé sẽ lớn lên sẽ không biết thế nào là tình thương yêu của cha.
Một người vợ trẻ mặn nồng chưa được bao lâu đã phải chịu cảnh cút côi không chồng bên cạnh vào lúc khó khăn nhất của cuộc đời.
Một đôi vợ chồng sức cùng lực kiệt tan nát tâm hồn khi sắp mất con và mất luôn cả chỗ dựa cuối cùng trong cảnh tuổi già bóng xế.
Rõ ràng, án tử hình của Trúc không chỉ một mình anh ta mà cả gia đình phải lãnh.
Gây ra nỗi đau cho mười mấy gia đình nhưng có lẽ Hồ Duy Trúc không ngờ nỗi đau lớn nhất mà anh ta gây ra lại là cho chính cha mẹ, vợ con mình.
Đó là cái Quả oan nghiệt mà Trúc phải gặt từ những gì mà Trúc đã gieo: 6 tháng, 17 vụ cướp, 12 nạn nhân và một cánh tay phải nối lại.
Tàn ác, dã man, phi nhân – đó là điều không ai có thể cãi về hành vi ‘chém trước cướp sau’ mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng kinh hoàng và phẫn nộ.
Hành vi của Trúc đã chồng chất đau thương lên sự nghèo khổ cùng cực của gia đình và bồi thêm một cú chí mạng vào một người mẹ đã chịu quá nhiều bất hạnh.
Thân già như xác ve đội nắng phơi sương nơi đầu đường xó chợ kiếm từng đồng từng cắc nuôi đàn cháu lẫm chẫm hơn chục đứa.
Bà Nguyễn Thị Út thất học từ nhỏ, lớn lên đi ở đợ. Mười hai người con đứa chết yểu, đứa mất tích, đứa lê lết ăn xin. Trúc thì sắp bị tử hình. Con gái thì đứa này đến đứa khác bị ruồng bỏ rồi đem con về giao cho bà nuôi. Một người con rể qua Trung Quốc bán thận rồi chết trong oan khuất.
Chưa kể từ ngày Trúc bị bắt, bà phải đi hỏi tiền vay bạc góp với tiền lời cắt cổ, rồi nợ nần chồng chất, rồi phải rao bán nhà để trả nợ.
Trong khi đó, trên facebook của mình, nhà báo Viễn Sự của báo Tuổi Trẻ kể về những số phận sau lưng “tướng cướp” Hồ Duy Trúc. Theo nhà báo này, Trúc có một người chị tên Hồ thị Khánh Minh vợ sắp cưới của Tô Công Luân-chàng sinh viên nghèo ở làng Bình Quý(Ninh Phước-Ninh Thuận) qua đời sau khi sang Trung Quốc bán thận năm 2008. Đó là vụ việc thương tâm mà rất nhiều tờ báo đã vào cuộc phản ánh. Vào thời điểm đó Minh mới 17 tuổi, bụng chửa vượt mặt. 3 tuần sau ngày Luân mất, cô Minh sanh được một bé trai ở trong một căn chòi đất tồi tàn ở ven sông Dinh, Phan Rang.
Nhà báo này còn cho biết thêm: Sau phiên tòa sơ thẩm 3 ngày, tôi đã tìm gặp lại Khánh Minh, đi cùng Minh là một cô gái cũng trẻ như Minh 7 năm trước và một đứa trẻ mới 3 tháng tuổi. Đó chính là con trai và vợ chưa (không) cưới của Hồ Duy Trúc. Vợ Trúc nói, ngày Trúc bị bắt sau khi gây ra vụ cướp xe SH cũng là ngày cô biết mình mang thai. Đứa bé được 3 tháng tuổi thì tòa tuyên án tử hình Trúc. Ngày tòa sơ thẩm diễn ra, bảo vệ đã đuổi một thiếu phụ và đứa trẻ còn ẵm ngửa ra khỏi cổng tòa, vì quy định không cho phép. Có lẽ không ai biết đó chính là vợ và con trai của “tướng cướp” Hồ Duy Trúc.
Minh nói, cô muốn tìm đến những nhà báo năm xưa từng giúp đỡ mẹ con cô, có cách nào nói giúp cho Hồ Duy Trúc được thoát án tử hình. Không chỉ vì tình máu mủ với em trai mà vì Minh thương một cô gái sắp phải chứng kiến cái chết của chồng, thương một đứa trẻ vừa chào đời đã có thể không bao giờ còn nhìn mặt cha. “Em thương mẹ con nó (vợ, con Hồ Duy Trúc) vì hai mẹ con giờ cũng giống như cuộc đời của mẹ con em 6 năm trước, sinh ra đã không biết mặt cha” – Khánh Minh nói.
Cuộc đời Khánh Minh đã trôi nổi, đời bà Út còn trôi nổi hơn trăm lần. Bà có tới 12 người con, có 3 đứa đã chết vì nhiều lý do. Một đứa con trai nữa đi lạc từ nhỏ, có lần nghe trên báo có người ở Mỹ về tìm cha mẹ, nhân dạng và hoàn cảnh giống đứa con trai đó của bà. Nhưng khi bà tất tả vào tới Sài Gòn thì người ta đã về Mỹ, đến giờ vẫn bặt tin.
Trúc là một trong hai đứa con trai còn lại của bà, nhưng người anh trai lớn (nay đã gần 40 tuổi) bị bại liệt từ nhỏ và lê la ăn xin ở chợ Phủ Hà, nhiều lần bà Út ra đưa về nhưng không được. Bởi thế Trúc được coi là đứa con để nối dõi của gia đình. Những đứa còn lại đều là gái và có đến 5 đứa bị chồng bỏ, giao cho bà bầy cháu 12 đứa mà hàng trái cây ở lề chợ Phan Rang không cách nào giúp bà nuôi nổi.
Để có tiền thăm nuôi con, vợ chồng bà Út phải vay lãi nặng (1 triệu, 50 ngàn tiền lời/ ngày) để vào Sài Gòn. Cách đây 1 tuần, bà đã gọi cho tôi, nói đã vay được 20 triệu và đưa cho nạn nhân của Trúc (cô gái bị chặt tay) với hy vọng tòa sẽ xem xét giảm nhẹ án cho Trúc. Bà nói, nạn nhân muốn đền 100 triệu, nhưng bà treo biển bán nhà hai tháng nay chưa ai mua, nên đi vay nóng đưa trước, mong sẽ được tòa lượng thứ cho thằng Trúc khỏi án tử…
Cuộc đời bà Út đã quá đủ đắng cay, bầm dập, nên bà nói cứ chắc như đinh đóng cột rằng thằng Trúc bị án tử thì bà cũng sẽ tự tử. Bà không nói điều này trước tòa, chỉ nói với vài người quen biế,t nên tôi tin đây không phải là lời nói dọa, để gây một áp lực hay để ăn vạ với cơ quan công quyền. Bà nói, làm vậy để tự giải thoát nỗi cay đắng “phúc bất trùng lai” của cuộc đời mình, cuộc đời Khánh Minh, của con cháu bà…
Tác giả Nguyễn Lễ trên BBC lý giải cho việc đi cướp của Hồ Duy Trúc như sau: dường như chúng ta chỉ quan tâm đến việc trừng phạt Trúc như thế nào mà không tìm hiểu cội nguồn vụ việc để tránh điều tương tự xảy ra.
Cổ nhân có câu ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’ còn ông bà ta dạy ‘Cha mẹ sinh con Trời sinh tính’.
Có người như Hồ Duy Trúc có sẵn tính hung hăng ngang tàng trong máu, nhưng có người bẩm sinh đã hiền lành không biết hại ai.
Một người từ nhỏ đã hoang đàng chi địa nhưng ở trong một gia đình mà hàng ngày chứng kiến cha mẹ anh chị em đều sống hiền lương thì ít nhiều cũng phải sống cho đàng hoàng, còn người bẩm sinh thuần hậu nhưng nếu lớn lên trước những hành vi hung ác thì thiên lương cũng mai một phần nào.
Trong trường hợp của Trúc, cha mẹ đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn thì thời gian đâu mà uốn nắn con?
Hung hăng hay hiền lành có thể là bản tính Trời ban, nhưng lòng tự trọng để biết sống bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra thì cần phải được nuôi dưỡng và giáo dục.
Gia đình Trúc sống gần đáy xã hội thì liệu môi trường xung quanh Trúc có chỉn chu nề nếp? Giả sử hàng ngày Trúc đều chứng kiến cảnh đánh lộn đâm chém, cờ bạc đề đóm, rượu chè hút xách và nghe toàn những lời chửi bới mà không được bảo ban thì thử hỏi Trúc có bị ảnh hưởng?
Dĩ nhiên không phải cứ nghèo hèn thì sẽ phạm tội, nhưng rõ ràng rằng đây là những yếu tố khiến người ta dễ phạm pháp. Hơn nữa, trường hợp của Trúc, trong cái nghèo còn có cái éo le.
Chứng kiến những bất hạnh liên tiếp xảy đến với mẹ, anh, chị, anh rể của mình thì một tâm hồn còn non nớt liệu có chịu nổi? Đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy bức bối luôn muốn thoát ra và tìm cách bù đắp.
Hoàn cảnh của Trúc, bần cùng, ít học, thì gần như không có cơ hội thoát khỏi vũng lầy của sự nghèo hèn. Khi thấy đi cướp một lần bằng lao động cả năm thì Trúc sẽ lóa mắt. Có lần thứ nhất rồi sẽ có lần thứ hai cho đến ngày bị bắt.
Đạo lý truyền thống của người Việt là ‘Đói cho sạch, rách cho thơm’ tức là sống bằng chính sức lao động của mình. Nhưng ở Việt Nam thời buổi ngày nay đầy dẫy những người có được của cải không phải bằng bàn tay khối óc của mình. Lòng tự trọng ít nhiều nhường chỗ cho lòng tham.
Một xã hội nhiễu nhương như thế liệu những người như Trúc có còn tin vào sự lương thiện?
Người Quan Sát
No comments :
Post a Comment