Theo
Hội đồng xét xử, bị cáo Liên quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng
trong suốt 3 ngày cho đến khi tước đoạt bằng được tính mạng của nạn
nhân. Hành vi phạm tội của bị cáo là vô cùng dã man, tàn độc.
Sau
khi dùng thuốc ngủ mà thấy ông Chuyên chưa chết, bị cáo dùng thuốc trừ
sâu (dạng thuốc độc nhóm 3) tiêm vào người chồng. Thấy chồng vẫn chưa
chết, bị cáo lại đi mua loại thuốc trừ sâu mạnh hơn (thuốc độc nhóm 1)
tiêm vào người và đổ vào miệng chồng.
Dù
đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là khai báo thành khẩn, gia
đình nạn nhân (con ông Chuyên) cũng xin giảm án cho mẹ nhưng xét thấy
hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, tòa xét không thể giảm án
cho bị cáo được mà cần phải tuyên mức án nghiêm khắc nhất để giáo dục
và phòng ngừa chung.
8g
sáng 29-3, TAND TP.HCM đã khai mạc phiên tòa lưu động tại Nhà văn hóa
Thiếu nhi quận 6, TP.HCM xét xử vụ án Dư Kim Liên (45 tuổi, vợ trung tá
CSGT Trần Xuân Chuyên) nhẫn tâm đầu độc giết chết chồng.
Thẩm phán Vũ Thanh Lâm, Tòa hình sự TAND TP.HCM, làm chủ tọa phiên tòa.
|
Tòa quyết định tuyên án tử hình cho bị cáo Liên.
Trước
đó, sau khi kết thúc thẩm vấn, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị Tòa
tuyên tử hình bị cáo Liên. VKS kết luận nguyên nhân bà Liên giết chồng
là vì nợ nần, muốn giết chồng để có tiền trả nợ.
Biết
thuốc độc nguy hiểm cho tính mạng nhưng bị cáo vẫn quyết tâm thực hiện
liên tục trong nhiều giờ (36 giờ) cho đến khi nạn nhân tử vong.
Hành
vi của bà Liên là nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp giết người vì
động cơ đê hèn, giết người man rợ. Bị cáo quyết tâm phạm tội đến cùng,
tìm mọi cách để làm cho ông Chuyên chết.
Tại phiên tòa và sau khi gây án, thái độ bà Liên cũng hết sức bình thản, hoàn toàn không ray rứt về hành động của mình.
Dù
tại phiên tòa, các con của ông Chuyên (đại diện bị hại) có xin giảm án
cho mẹ nhưng theo VKS, bà Liên không còn khả năng giáo dục, cải tạo,
cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. VKS đề nghị tòa tuyên tử
hình bị cáo Liên về tội “giết người”.
Trước
đó, trong phần thẩm vấn, bà Liên khai cùng chồng kết hôn năm 1988, quá
trình chung sống có nhiều mâu thuẫn. “Bị cáo không có tiền gửi cho cha
mẹ. Xin chồng mà lúc chồng cho, lúc không. Có khi bị cáo bệnh cũng
không có tiền mua thuốc, phải đi vay mượn. Chồng rất hay chửi mắng bị
cáo. Mỗi lần gây nhau thì bị chồng đánh, đi nhậu về là đánh…”
Tòa hỏi: Bị cáo có ý định giết chồng từ khi nào?
- Lúc chủ nợ đến nhà hỏi, bị cáo có trình bày với chồng nhưng chồng nói “tao cho xã hội đen đánh mày!”.
Bị cáo nảy sinh ý định cho chồng uống thuốc ngủ trước đó bao lâu?
- Hơn 10 ngày trước.
Bị cáo chuẩn bị như thế nào?
-
Bị cáo phải suy nghĩ rất nhiều. Thực ra không phải giết chồng lấy tiền
trả nợ. Căn nhà là nhà chung để cho con, không phải bị cáo muốn giết
chồng để cầm nhà. Chỉ vì bị nhồi ép quá, bị cáo một phút sai lầm…
Bị cáo chuẩn bị công cụ phương tiện thế nào? Dự kiến thời điểm nào thực hiện?
- Dạ, 3 ngày trước bị cáo đi mua thuốc ngủ, mua 5 viên 1 lần, mua hai lần được 10 viên.
Bị cáo dự định cho chồng uống thời điểm nào?
- Lúc chồng đi nhậu về sẽ cho uống.
Ngày nào bị cáo cũng pha sữa cho ông Chuyên hay sao?
- Không ạ, chỉ khi nào chồng đi nhậu về thì tối đói bụng mới uống sữa.
Tối đó ông Chuyên nhậu về còn tỉnh không?
- Xỉn rồi
Bị cáo dự định cho Chuyên uống bao nhiêu viên?
- 10 viên
Khi mua thuốc ngủ bị cáo có hỏi tiệm thuốc là uống bao nhiêu thì đủ?
- Thưa không.
Vậy mà bị cáo ép ông Chuyên uống 10 viên?
- Dạ
Luật sư bào chữa gây sốc khi nói “đáng lẽ bị cáo nên giết chủ nợ!”
Khi
bào chữa cho bà Liên, luật sư Đan Mạch cho rằng hoàn cảnh của bị cáo
rất đáng thương, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Chồng hay đánh
đập, con cái cũng thường xuyên đi vắng nên trong cơn bức xúc không thể
lựa chọn cách giải quyết sáng suốt. Luật sư còn cho rằng nếu bị chủ nợ
đe dọa, chèn ép thì nhiều người tìm cách giết chủ nợ chứ không dại gì
mà lại đi giết chồng như bị cáo!
Được
tòa cho bào chữa, bà Liên bật khóc nức nở: “xin tòa giảm án cho bị
cáo, chỉ vì một phút nông nổi mà phạm tội. Xin tòa thương cho 2 đứa con
mất cha mà giảm án cho bị cáo”
Quay
sang người mẹ chồng, bà Liên gào lên: “mẹ ơn, xin mẹ cứu con đi mẹ
ơi!”. Tuy nhiên, cũng giống như trong phần thẩm vấn trước đó, bà Út mẹ
của ông Chuyên chỉ nói: “tôi không có ý kiến gì, đề nghị Tòa xử đúng
theo pháp luật”. Trước đó, bà không đòi bị cáo bồi thường về dân sự,
chỉ đề nghị tòa xử đúng người, đúng việc, đúng tội của con dâu.
Khi
tranh luận lại, đại diện VKS đã phải phản ứng trước phần bào chữa của
luật sư cho bị cáo Liên. Theo VKS: “Quan điểm của luật sư nói bị cáo đi
giết chủ nợ là hoàn toàn trái pháp luật. Đề nghị luật sư rút kinh
nghiệm trong bào chữa chứ không thể nói như vậy được”.
Đáp
lời, luật sư Mạch xin ghi nhận ý kiến của VKS, nhưng luật sư nói lại
rằng ý luật sư muốn nói tại thời điểm phạm tội, bị cáo Liên không tỉnh
táo, sáng suốt, nhiều bức xúc dồn nén không có người chia sẻ nên mới
hành động dại dột như vậy.
Theo
cáo trạng, ông Trần Xuân Chuyên (cấp bậc trung tá, công tác tại Đội
CSGT Phú Lâm thuộc phòng PC 67 Công an TP.HCM) và bà Dư Kim Liên là vợ
chồng, có hai con trai cùng sinh sống tại nhà số 371/11 Hậu Giang,
phường 11, quận 6.
Do
bà Liên nhiều lần vay ông bà Trần Thanh Tâm, Võ Ngọc Xuân Hương tổng
cộng 1,3 tỉ đồng để tiêu xài cá nhân và không có khả năng trả nợ nên
hai vợ chồng mâu thuẫn. Từ đó, bà Liên nảy sinh ý định giết chồng để
toàn quyền thế chấp nhà cho ngân hàng để vay tiền trả nợ.
Ngày
11-3-2012 (chủ nhật), biết chồng sẽ đi uống rượu nên bà Liên ra tiệm
thuốc tây mua 10 viên thuốc ngủ, một xilanh y tế (ống tiêm), một đôi
bao tay cao su đem về nhà cất giấu. Khoảng 19g, ông Chuyên về nhà và
tiếp tục ngồi nhậu với bạn đến hơn 21g thì đi ngủ. Bà Liên tán 10 viên
thuốc ngủ ra, hòa tan với nước rồi bỏ vào hộp sữa hiệu Ensure cho ông
Chuyên uống.
Đến
sáng hôm sau, bà Liên thấy chồng vẫn còn thở nên nghĩ cách tiếp tục
giết bằng được chồng. Bà Liên đã đến Đội CSGT Phú Lâm xin phép cho
chồng nghỉ một ngày rồi vào tiệm thuốc mua tiếp 5 viên thuốc ngủ, một
ống tiêm mang về nhà. Sau đó, bà Liên lại tán thuốc ngủ ra, hòa với
nước rồi dùng muỗng múc đổ vào miệng chồng. Đến 20g tối cùng ngày, vẫn
thấy ông Chuyên còn thở, bà Liên đã đến cửa hàng bán thuốc trừ sâu mua
hai gói thuốc trừ sâu dạng bột hiệu Oshin mang về nhà bỏ vào ly nhựa,
hòa với nước rồi dùng xilanh tiêm thuốc vào hai bên mông của ông
Chuyên.
Đến
8g sáng hôm sau (ngày 13-3-2012), thấy ông Chuyên chưa chết, bà Liên
lại tiếp tục ra một cửa hàng bán thuốc trừ sâu khác để mua một chai
thuốc trừ sâu dạng lỏng (hiệu Suprathion) mang về, dùng xilanh bơm
thuốc trừ sâu này vào mông và bơm cả vào miệng chồng.
Khoảng
1 tiếng sau thấy chồng đã chết hẳn, bà Liên gọi điện báo tin cho hai
con trai (đang đi nghĩa vụ công an) rằng cha đã tử vong do đột quỵ.
Trưa cùng ngày, Công an phường 11, quận 6 nhận được tin báo ông Chuyên
tử vong đã đến lập biên bản ghi nhận sự việc. Do phát hiện dấu hiệu bất
thường trong cái chết của ông Chuyên, cơ quan công an đã mời bà Liên
lên lấy lời khai. Công an cũng thu giữ tại nhà bà Liên các vỏ bao thuốc
trừ sâu, vỏ hộp đựng thuốc ngủ, các dụng cụ mà bà Liên đã sử dụng để
bơm thuốc trừ sâu đầu độc chồng. Sau khi bị bắt giữ, bà Liên đã khai
nhận hành vi phạm tội của mình.
Kết quả giám định pháp y kết luận nạn nhân Chuyên chết do ngộ độc chất Methidathion.
No comments :
Post a Comment