Sunday, March 23, 2014

• Công An muốn thêm đại tướng, gặp bất đồng từ quân đội

Cali Today News - Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử của chính quyền CSVN lại “lạm phát” tướng Công an như hiện nay. Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông này đã dành quá nhiêu ưu ái cho lực lượng công an. Điều này có thể bắt nguồn từ xuất thân của ông. Trước khi lên làm Thủ tướng, ông Dũng đã từng là Thứ trưởng Công An. Không những vậy, trong mục đích nhằm tạo thêm vây cánh, ông đã đưa rất nhiều chính khách từ vùng đồng ruộng Kiên Giang ra Trung ương giữ những chức vụ trọng yếu. Đáng kể nhất là Thưởng trực Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Hồng Anh. Ông Anh chưa một ngày học qua trường lớp An ninh, nhưng đã được đặc cách từ Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang lên làm Bộ trưởng Bộ Công với cấp hàm Đại tướng.

Việc tăng thêm quyền uy cho lực lượng được coi như là “thanh kiếm của đảng” không phải quá khó hiểu. Song, điều làm cho nhiều người quan ngại là việc phong cấp tướng ồ ạt cho lực lượng này sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách, nặng gánh cho những người nông dân khi phải oằn lưng để trả lương cho những vị tướng này. Chỉ riêng năm 2011 đã có đến 58 Đại tá công an được thăng lên Thiếu tướng và 7 ông Thiếu tướng được thăng lên Trung tướng.

Mới đây,  trong đợt trình bày dự thảo Luật công an nhân dân để làm sao thống nhất cấp hàm của công an và quân đội ở địa phương phải tương đương với nhau, ông Đại tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nói: “Hiện nay chỉ bộ trưởng có cấp bậc hàm đại tướng. Trong dự án luật, chúng tôi dự kiến quy định thêm một chức danh là thứ trưởng kiêm phó bí thư đảng ủy công an trung ương cũng có cấp bậc hàm đại tướng. Trong các tổng cục thì công an không có chính ủy, cho nên chúng tôi quy định cấp trưởng là trung tướng và phó tổng cục trưởng kiêm phó bí thư đảng ủy là trung tướng. Chúng tôi nghĩ rằng phó bí thư đảng ủy phụ trách công tác Đảng, công tác tổ chức cũng tương đương với cấp chính ủy trong quân đội. Còn lại các cấp phó khác thì cấp bậc hàm thấp hơn cấp trưởng” muốn trong hàng ngũ công an phải thêm một Đại tướng. Nhưng xem ra việc này có chút trở ngại từ phía quân đội.

Trên tờ VnEconomy dẫn lời ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết ông không đồng thuận về tăng số lượng cấp tướng như đề xuất của Bộ Công an.

“Theo ông Thanh, nếu thực hiện như đề xuất của Bộ Công an sẽ “làm khó” cho bên quân đội, bởi hiện nay Bộ Quốc phòng đang có chủ trương hạn chế phong hàm đối với nhiều chức vụ, phần lớn vẫn giữ nguyên trong dự thảo sửa đổi Luật Sỹ quan quân đội nhân dân. Bởi vậy, nếu để tương quan giữa lực lượng công an và quân đội thì với số lượng cấp tổng cục như hiện nay, cấp hàm trung tướng sẽ quá nhiều.

Trước quan điểm “vênh” nhau giữa hai bộ, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo hai bên tiếp tục trao đổi, bàn bạc thêm, trước khi trình Quốc hội phê chuẩn.”

Trong khi đó trên tờ Tuổi Trẻ khi viết về vấn đề này có bài viết với tựa “Công an lên tướng, quân đội cũng phải lên” dẫn lời ông Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Theo ông Thanh: “Chúng tôi có các tổng cục, rồi các quân khu, quân đoàn cũng tương đương, vậy thì nhiều lắm. Trong cơ quan mà ông trưởng ông phó đều đeo lon như nhau thì cũng khó coi. Ở cấp tỉnh, công an quy định có thêm sáu tỉnh thành có cấp hàm tướng trong khi quân đội vẫn quy định là đại tá. Anh em có ý kiến rằng công an lên thì quân đội cũng phải lên, vì đều là thường vụ tỉnh, thành ủy cả, nhưng anh thì tướng anh thì tá, mà tầm quan trọng thì không thể nói anh nào hơn anh nào được”.

Bauxite Tây Nguyên: Lỗ vẫn muốn làm.

Theo Bộ Công thương, năm 2013 dự án Tân Rai lỗ 258 tỷ đồng, dự kiến năm 2014 sẽ lỗ 176 tỷ đồng, năm 2015 sẽ lỗ 252 tỷ đồng. Tới năm 2016, dự án này bắt đầu có lãi với con số khiêm tốn là 9,3 tỷ đồng. Dự án Nhân Cơ dự kiến lỗ kéo dài từ năm 2015 đến 2020, mức lỗ thậm chí còn gấp đôi so với Tân Rai. Cụ thể, năm 2015 Nhân Cơ lỗ tới 671 tỷ đồng, đến năm 2020 mức lỗ vẫn là 237 tỷ đồng.

Đứng trước việc thua lỗ trong chuyện khai thác bauxite Tây Nguyên, mới đây Bộ Công thương đã đề xuất nhiều ưu đãi cho dự án bauxite ở Tây Nguyên (Tân Rai và Nhân Cơ), như: Bỏ thuế VAT, giảm phí môi trường, giảm giá định cho nhà máy luyện nhôm, thậm chí giảm tiêu chí an toàn của hồ bùn đỏ.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế trên tờ Stockbiz cho rằng, hành động của Vinacomin và Bộ chủ quản (Bộ Công thương)  là “cố đấm ăn xôi”, tội va đâu nhân dân và đất nước chịu.

Bà Lan nói: “Tôi rất thất vọng với thái độ của Bộ Công Thương. Bởi vì mọi tính toán ngay từ đầu đã cho thấy là  dự án chỉ có lỗ thôi, không thể nào có lãi được. Hai nữa là nó đòi hỏi tốn kém không biết bao nhiêu là chi phí hạ tầng phục vụ mình nó. Ba là hậu quả về mặt môi trường cũng rất nặng nề. Bốn nữa là nền tảng văn hóa Tây Nguyên, cuộc sống của người dân Tây Nguyên đã và sẽ bị đảo lộn. Năm nữa là vấn đề  lao động Trung Quốc. Bao nhiêu vấn đề như thế, nhưng mà người ta quyết tâm làm, lao vào làm.”

"Dù trước nay chưa xảy ra sự cố, nhưng không ai có thể nói chắc được là sẽ nó không bao giờ xảy ra, mà có xẩy ra thì cũng không thấy nói sẽ có phương án xử lý như thế nào. Nếu Quốc hội đồng thuận thì chẳng khác gì tiếp tay, tạo tiền lệ cho doanh nghiệp phá hỏng môi trường”.

 “Xúc tài nguyên lên bán mà cũng lỗ thì xúc làm gì? Quyết tâm làm tới cùng như thế là không thể hiểu nổi nếu đứng trên logic bình thường.” – Bà Phạm Chi Lan thẳng thắn.

“Đối với Vinacomin, họ hoàn toàn yên tâm rằng nhà nước sẽ bảo lãnh, họ không trả được thì nhà nước sẽ trả. Nên kinh doanh có thua lỗ thì nhà nước sẽ trả, hơn nữa đây là dự án của Nhà nước, Nhà nước chủ trương, Nhà nước phê chuẩn. Nói cho cùng doanh nghiệp chả có trách nhiệm gì đâu về tài chính.

Thì như lâu nay đấy thôi! Doanh nghiệp lỗ thì Nhà nước tìm cách giãn nợ, giãn nợ rồi mà vẫn không trả hết được thì lại phải xóa nợ đi. Doanh nghiệp nhà nước vay nước ngoài không trả được thì Nhà nước lại đứng ra trả. Thế nên có lẽ là họ không lo gì cả, đây là dự án gây nhiều tranh cãi đến thế mà Nhà nước vẫn cho làm cơ mà.”. “Mà nói cho cùng, còn là vì thời gian của dự án rất dài. Đến lúc không thể che giấu nợ nần thua lỗ được nữa thì họ cũng nghỉ cả rồi!” – Bà Phạm Chi Lan cảm thán.

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan nhận định với cơ chế như hiện nay thì rất khó để làm việc đó, bởi “Nhìn vào dự án bauxite Tây Nguyên, những cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm” đều có cả. Nếu không thì người ta cũng chưa chắc đã quyết tâm đến như vậy. Rút cục hệ quả là người dân phải gánh nợ và chỉ có lịch sử phán xét đúng sai thôi!"

Đề xuất của Bộ Công thương: 

Thay vì đóng lệ phí bảo vệ môi trường 30.000-50.000 đồng/m3, xin giảm phí môi trường cho bauxite xuống chỉ còn 4.000-10.000 đồng/tấn, trước mắt chỉ áp dụng mức 4.000 đồng/tấn bauxite (tương đương 7.000 đồng/m3).

Sẽ chỉ  đền bù chi phí theo hình thức “mượn đất” rồi trả lại sau khi dự án hoàn thành, không bồi thường đất, chỉ bồi thường những tài sản như cây trồng, nhà cửa trên đất.

Bộ cũng cho rằng bauxite cần được cho hưởng thuế giá trị gia tăng bằng 0%.

Người quan sát

1 comment :

  1. Sau này có con ( cả trai và gái ) nên khuyên chúng nó khi lớn thì đi làm nghề công an hay quân đội thì sẽ được hưởng lương cao và bố mẹ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi ?

    ReplyDelete