Cali Today News - Trong những ngày qua, dư luận trong nước nóng lên với những tin tức về việc “bẻ cong” con đường Trường Chinh để tránh việc “đụng” phải nhà quan chức CSVN. Con đường này nằm trong dự án mở rộng đường Trường Chinh có chiều dài hơn 2km.
Trên tờ Thanh Niên cho biết: Tại điểm đầu, đường được mở rộng hướng về phía bắc, ăn sâu vào nhà các hộ dân hàng chục mét nhưng khi qua ngã tư Tôn Thất Tùng, đường bổng ngoặt về phía nam ăn vào đất thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Đến ngõ 150 thì đường Trường Chinh lại bẻ con trở lại hướng bắc. Từ đầu ngõ này, các mốc giới thể hiện, từ lề đường cũ sẽ mở rộng vào 5m nhưng qua vài nhà đã ăn sâu vào 15m và tiếp tục 20m.
Để lý giải cho việc vì sao con đường lại bị “bẻ cong”, ông Nguyễn Đức Hưng, Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, là chủ đầu tư dự án, cho rằng với việc “bẻ cong” mở rộng về phía nam vào đất quốc phòng chỉ phải bồi thường tài sản trên đất bằng 20% chi phí mở rộng phía bắc, tức chỉ mất khoảng 26 tỉ thay vì 130 tỉ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh, nguyên cán bộ Bộ Xây dựng, cũng là người dân trong diện thu hồi đất thuộc dự án ở Phường Khương Thượng, Quận Đống Đa, cho biết đây là cách trả lời thiếu trách nhiệm và “ngụy biện”.
Đường Trường Chinh mở rộng bị nắn cong nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Niên
Cụ thể, việc bẻ đường này tạo ra nhiều hệ lụy, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xây dựng mấy chục năm nay bị phá vỡ, thứ hai tăng đầu tư và đền bù. Đường Trường Chinh đã xây dựng các công trình ngầm gồm 3 tuyến cấp nước thành phố, 2 tuyến điện hạ thế và trung thế, cáp quang thông tin liên lạc, thoát nước…phải phá dỡ. Chi phí cho việc tháo dỡ, lắp mới phải hết hàng trăm tỉ đồng.
Cũng trên tờ này thuật lại lời của thiếu tướng Mai Văn Cương, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân trong đó lộ nhiều thông tin bất ngờ. Ông này nói: ““Tôi nói thật, khi thực hiện ký văn bản 193 xin thu hẹp vào 7 m, cấp trên ép thì tôi là cấp dưới phải thực hiện theo. Thời điểm đó, chúng tôi đã thuê một doanh nghiệp vẽ lại bản thiết kế nhưng Hà Nội không chịu vì cho rằng công ty đó không đủ tư cách. Đến năm 2003 thì tôi nghỉ hưu, sau đó mới được biết người ta cắm lại mốc giới đường theo hướng nới rộng ra phía nam, thu hẹp khoảng cách phía bắc khiến đường bị uốn cong ra”. Ông Cương còn cho biết thêm: “Tôi nghe nói khi nắn đường, người ta nói do mạn phía bắc có nhiều công trình chiến đấu nên phải sửa như thế nhưng thực ra không hề có công trình nào cả”.
Trong khi đó, trước việc con đường Trường Chinh bị chia làm 3 khúc như hiện nay, trên tờ Người Đưa Tin tiết lộ. Sở dĩ có điều này là tại đoạn cong ở giữa con đường, hiện có rất nhiều nhà của các bộ nguyên là quan chức quân đội (chủ yếu là tướng lĩnh thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân) và có cả quan chức về hưu của Bộ Giao thông vận tải.
Có những nhà quan chức được xây cao 10 tầng để cho thuê làm văn phòng, bệnh viện. Có khá nhiều cựu tướng lĩnh, sỹ quan quân đội có đất đai tại tuyến đường này, trong đó có nguyên chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thướng tướng Phạm Thanh Ngân; Trung tướng, anh hùng phi công Phạm Tuân; Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá Nguyễn Tiến Sâm, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tài phụ trách hàng không; Thiếu tướng, anh hùng quân đội Phạm Ngọc Lan (người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời Việt Nam); Đại tá Nguyễn Tâm Trinh, nguyên Tư lệnh Binh chủng Rada (Quân chủng Phòng không Không quân - PKKQ).
Đứng trước việc “bẻ cong” con đường Trường Chinh để né nhà quan chức làm đội vốn thi công lên 123 tỉ đồng Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị Hà Nội tập trung giải quyết vấn đề “nóng” mà nhân dân phản ánh lên Trung ương. Song, với truyền thống “nhân đạo xã hội chủ nghĩa” việc thanh tra cũng chỉ là làm cho có, vì con đường cũng đã được làm xong. Cũng như phía sau đó là hàng loạt quan chức cấp cao trong hàng lãnh đạo quân đội thì chính quyền Hà Nội cũng chẳng dám mạnh tay để xử lý vụ việc này. Muôn đời phần thiệt cũng chỉ là người dân.
Điều này một lần nữa được khẳng định theo thông tin đưa trên tờ Tiền Phong. Trong cuộc trao đổi với một số cựu tướng lĩnh, sỹ quan quân đội có đất tại tuyến đường này. Tướng Lan cho biết: Để tạo ổn định, quân chủng (Phòng không-Không quân-NV) cấp đất cho các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp bên cạnh tuyến đường, đối diện cơ quan quân chủng. Sau hòa bình lập lại, quân đội mở rộng dần việc cấp đất cho dân sự, coi đây như một sự chia sẽ lợi ích. Khi UBND TP Hà Nội có chủ trương mở rộng đường Trường Chinh, nhằm giữ ổn định đời sống cho tướng lĩnh, những người có đóng góp quan trọng nhất vào việc bảo vệ vùng trời của đất nước, quân chủng đề nghị UBND TP Hà Nội lấy vào phần đất của quân chủng, hạn chế lấy đất của nhà tướng lĩnh, sỹ quan.
“Khi biết Bộ Quốc phòng, quân chủng và Thành ủy, UBND TP Hà Nội quyết định như vậy, bản thân những người tham gia quân đội những ngày đầu rất cảm ơn vì được quan tâm”. Bình luận về nghi vấn nắn đường vì tránh nhà quan chức, Thiếu tướng Lan nói: “Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời, chúng tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề tránh nhà quan chức. Hiện, nhiều anh em cấp tá, là cấp dưới của chúng tôi tuy cùng dãy nhà nhưng sắp bị giải tỏa (khu vực giải tỏa nằm trong đoạn vuốt nối để giảm độ gấp khúc - PV), bản thân tôi và các tướng lĩnh khác đã và đang đứng ra bảo vệ”.
Phẫn nộ với bản án dành cho 5 Công an giết người
Mất đi 5 tên giết người này là một tổn thất cho ngành công an. Ảnh: Người Lao Động
Đâu phải chỉ con đường ở Việt Nam bị bẻ cong để tránh nhà quan chức. Mà ngay cả công lý ở Việt Nam cũng bẻ cong nhằm tránh tổn thất cho lực lượng công an. Điều đó được thể hiện rõ ràng qua bản án dành cho 5 tên công an giết người ở Phú Yên. Trên tờ Người Lao Động có cuộc phỏng vấn ông Lương Quang-Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Tuy Hòa, ông này thừa nhận “Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực”. Khi các phóng viên hỏi:
- * Mục tiêu của việc xét xử là ra một bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bản án này có đáp ứng được những điều đó không?
- Nghiêm minh không có nghĩa là xử nặng. Nghiêm minh là đúng pháp luật. Quan điểm tội này tội kia giữa viện và tòa, có sự ràng buộc, khống chế nhau, tòa xử trong phạm vi truy tố. Đây là vụ án được dư luận quan tâm, chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt (?).
Ông Chánh án này dường như chưa hiểu lắm câu hỏi của phóng viên, thành ra phóng viên phải hỏi lại nhằm ngụ ý cho ông Quang phải tập trung vào câu hỏi hơn. Phóng viên hỏi tiếp:
-* Vậy theo ông, bản án của vụ án 5 công an dùng nhục hình gây chấn động này có nghiêm minh?
- Tôi nói rồi, với người này thì cho là nghiêm, người kia cho là vừa, người khác lại nói nhẹ. Về dư luận, tôi thấy vụ này vậy là cũng được chứ không đến nỗi. Thật ra, tại tòa có một vài vấn đề, ví dụ bị cáo Thành khai đánh 2-3 cái mà đầu Ngô Thanh Kiều tới 11 vết thương, vậy những vết thương đó do ai gây ra? Tòa trả hồ sơ rồi mà họ đâu có làm ra. Có những cái cần nói rõ nhưng cũng có những cái không nên nói, nói càng phức tạp, rối rắm, gây ra dư luận không tốt. Cái này mình đã trả rồi mà người ta (VKSND TP Tuy Hòa - PV) không làm thì chỉ xử theo truy tố đó thôi. Ôm rơm nặng bụng.
Song, với câu trả lời dưới đây khiến ta không khỏi kinh hãi về độ dã man, tàn độc của những tên giết người là công an. Việc này chỉ được tiết lộ một phần bởi sự ngây thơ, ấu trĩ của vị chánh án Cộng sản kia.
- * TAND TP Tuy Hòa đã từng trả hồ sơ để đề nghị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” nhưng vì VKSND không đồng ý nên tòa không xử tội này. Sao không trả hồ sơ nhiều lần như quy định pháp luật để làm rõ tội danh?
- Theo nguyên tắc, nghiên cứu kỹ rồi trả một lần. Trả tối đa 2 lần, cái nào trả rồi người ta không làm thì thôi. VKSND không truy tố thì mình xử theo phạm vi truy tố của VKS, chứ chuyện gì phải căng thẳng. Có nguyên tắc là làm việc mà không hài lòng thì kiến nghị lên cấp trên để xử lý, còn cấp trên nữa mà. Vụ này nhạy cảm, xét xử có nhiều cấp, thời gian xem xét cũng lâu, nếu trả đi trả lại thì bất lợi. Với lại có trả hồ sơ cũng khó điều tra ra. 70 vết thương trên người nạn nhân, nhìn thấy kinh. Cả đám đông đấy mà hỏi ai cũng nói không biết, không nhớ gì hết. Hết sức phức tạp, làm gì được nữa?
Và khi phóng viên hỏi ông, đánh chết người mà chỉ chịu án từ án treo đến 5 năm tù. Ông thấy thế nào? Ông này trả lời:
- Vụ này tôi thấy không nhẹ, công an mất bao nhiêu lực lượng đó là quá đau. Tôi thấy đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Mấy ông công an này cũng dở, không chừng đến phúc thẩm lại xì ra nữa vì mấy bị cáo so bì nhau sao cùng đánh mà người thì giam, người thì treo, người khung 3, người khung 1.
Bình luận về cách trả lời của ông chánh án TAND Tp Tuy Hòa, trên tờ Tuổi Trẻ có viết: “Đọc bài trả lời phỏng vấn của chánh án Lương Quang, mỗi câu đều khiến người ta run lên vì kinh ngạc, bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng, cùng vô số trạng thái khác, chẳng cái nào là dễ chịu.
Không kinh ngạc sao được khi người có trách nhiệm phải phân xử độc lập, chỉ tuân thủ theo pháp luật, lại nói rằng đây là việc “nhạy cảm”, “phải biết chọn giải pháp nào để an toàn” (!).
Không bàng hoàng sao được khi ông chánh án vừa dõng dạc “nghiêm minh là phải đúng pháp luật”, ngay sau đó lại nói ra cái quan niệm “sai - đúng” là: “Có những việc biết lẽ ra là như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để đảm bảo mối quan hệ cho tốt” (!).
Không xót xa, không phẫn nộ sao được khi ông Quang vừa nói rằng sự thật trên đầu nạn nhân có tới 11 vết thương, và “70 vết thương trên người... nhìn thấy kinh” (ai cũng biết rằng người đó đã bị đánh đến chết, rằng phiên tòa ông Quang chủ trì là phiên tòa xử một vụ án mạng), cùng lúc ông lại nói rằng các bị cáo là những người bị “tai nạn nghề nghiệp”.
Xin nhắc lại, năm thủ phạm làm chết một mạng người ngay ở nơi thừa hành công vụ bằng cách thức không thể biện minh, năm người sai trái lời thề, xúc phạm chức trách của mình - là những người bị “tai nạn nghề nghiệp”, theo lời vị chánh án (!).
Có cách nào để không thấy chua chát và mỉa mai khi vị chánh án của phiên tòa - người phải làm thiên chức là tìm ra cho được phán quyết đúng nhất với sự thật, người phải chỉ mặt tội ác và đem lại công lý - lại kêu than về những “phức tạp”, lại công khai nói rằng chẳng muốn “ôm rơm nặng bụng”, “làm cho hết trách nhiệm thôi”?
Có cách nào để hiểu nổi chuyện người cầm cán cân công lý, biết rằng “diễn biến vụ án còn những việc chưa rõ” nhưng lại chép miệng mà quyết theo kiểu “có cái cũng đành vậy chứ” và “xét xử còn có phúc thẩm”, hay “luật quy định như vậy nhưng trên thực tế tôi thấy không khả thi”?
Nhưng sau khi cảm giác kinh ngạc, đau xót, phẫn nộ và bất bình khi đọc lời bộc lộ của ông chánh án dịu lại, thì âm ỉ trong người ta là sự lo lắng. Lo lắng cụ thể hơn là về ông Lương Quang. Nổi lên ở ông là... sự hồn nhiên.
Tôi đọc thấy trong muôn vàn phản ứng bất bình đang đầy trong dư luận có vài lời nói đến sự “thật thà” của ông chánh án bộc lộ qua những câu trả lời phỏng vấn. Vâng, đó là sự hồn nhiên. Đó là sự thật thà. Nhưng với nội dung vụ án này, đó là sự hồn nhiên và thật thà không thể chấp nhận được.”
Trong khi đó, trên tờ Người Lao Động lại vỗ tay khen ông chánh án Lương Quang. Vì rằng, chính nhờ sự ngây thơ, thật thà của ông đã giúp dư luận nhận ra bộ mặt thật của các cơ quan tố tụng khi giải quyết vụ 5 công an giết người kia. Tờ này viết:
- Ai cũng thấy vụ án này được các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa dàn ra như một vở hài kịch. Nó phi lý, nực cười tới mức sau khi tòa tuyên án, từ gia đình bị hại đến bị cáo; từ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên đến người dự khán đều cật lực phản đối, chỉ trích tòa nặng lời vì đã đạp lên dư luận, xét xử thiếu công bằng; bỏ lọt người, lọt tội.
Và vở hài kịch ấy chỉ thật sự phô bày khi ông Quang nói rằng đây là một vụ án phức tạp, tòa phải “chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn” và “làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt”.
Biết nói gì hơn là hoan hô ông chánh án! Sự thật thà của ông đã giúp dư luận nhận ra bộ mặt thật của cán cân công lý ở Tuy Hòa. Bộ mặt đó làm chúng tôi, những người dân thường cảm thấy chua xót đến cùng cực. Bộ mặt đó như một gáo nước lạnh tạt vào xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Không biết những người làm trong ngành tư pháp Việt Nam có xấu hổ không khi có đồng nghiệp như ông Quang nói riêng và các cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa nói chung. Chứ riêng bản thân tôi, với tư cách một công dân, tôi thấy xấu hổ không biết chui vào đâu khi mình làm chủ đất nước này mà lại thiếu sáng suốt đến mức trả lương cho một người đầy tớ đang làm việc không vì công lý mà vì cái ghế của mình.
Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Người Lao Động số ra ngày 5-4, ông Quang 2 lần nhắc đến từ “đau”. Trước là đau cho ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa (người đã cho bắt bị can Ngô Thanh Kiều và để cấp dưới của mình đánh nạn nhân đến chết) vì ông Hoàn bị xử lý hành chính (trong khi luật sư yêu cầu xử lý hình sự). Sau là đau cho ngành công an khi mất 5 cán bộ. Trong khi những người này đã lợi dụng quyền được nhân dân giao phó để đánh dập dân đến chết lại còn được ông Quang gọi việc đó là một “tai nạn nghề nghiệp”.
Những cái đau mà ông Quang nói tới liệu có bằng nạn nhân Kiều khi bị đánh bầm dập cả người cho đến chết; có bằng gia đình nạn nhân khi mất một người con, một người chồng, người cha; có bằng cả xã hội này khi căng mắt theo dõi vụ án với mong muốn tòa xét xử công bằng để loại khỏi bộ máy công quyền những kẻ độc ác, sâu mọt để rồi đổi lại là sự hụt hẫng, tức giận?
Chắc không thể nào bằng bởi câu chia sẻ duy nhất của ông Quang với bị hại chỉ là “70 vết thương trên người nạn nhân, thấy mà kinh”. Ông Quang kinh 1 thì xã hội kinh 10. Không chỉ kinh vì những cú đánh tàn nhẫn mà còn vì bộ mặt tươi cười hớn hở của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tại phiên tòa sơ thẩm mở ngày 10-3 (sau đó bị hoãn) vì lời đề nghị cho 4 bị cáo được hưởng án treo của Viện KSND TP Tuy Hòa và cái quan điểm “ôm rơm nặng bụng” của ông Quang.
Công lý còn muốn bẻ sao thì bẻ miễn sao có thể tránh phương hại đến đồng đảng là đảng viên Cộng sản, thì những con đường cứ thoải mái bẻ cong để tránh thiệt hại cho quan chức âu cũng là chuyện dễ hiểu ở cái xã hội cộng sản này.
Người Quan Sát
No comments :
Post a Comment