Friday, December 27, 2013

• Việt Nam lại ‘thề thốt’ mạnh tay với tham nhũng

HÀ NỘI (NV) - Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN vừa thề, năm tới, sẽ chống tham nhũng mạnh hơn, chuyện chống tham nhũng sẽ có chuyển biến tích cực, rõ ràng hơn.


Hai mươi ba viên chức của thành phố Long Xuyên hầu tòa hồi đầu tháng 11 vì tham nhũng. Sau vụ xử kéo dài 10 ngày, chỉ có một phải ngồi tù. (Hình: Tuổi Trẻ)

Lời thề này được đưa ra trong cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2013 của ban chỉ đạo trung ương về phòng-chống tham nhũng.

Lý do dẫn tới chuyện ‘thề thốt’ về chống tham nhũng là vì vừa qua, chuyện chống tham nhũng của chính quyền Việt Nam bị cả dân chúng trong nước lẫn cộng đồng quốc tế xem như một trò hề.

Hồi trung tuần tháng này, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank - WB) công bố kết quả một cuộc khảo sát thực hiện tại Việt Nam, theo đó, 70% doanh giới xác nhận, khi có việc cần tới chính quyền, muốn dễ dàng thì vẫn phải dùng tiền để bôi trơn, dẫu cho từ lâu, giới lãnh đạo Việt Nam đã xác nhận, tham nhũng là quốc nạn.

WB cảnh báo rằng, nhiều nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, tham nhũng và tăng trưởng kinh tế luôn ngược chiều với nhau. Tham nhũng càng cao thì tăng trưởng kinh tế càng thấp. Mức độ hối lộ càng lớn thì tỉ lệ tăng trưởng trung bình của doanh nghiệp, kể cả về doanh số thực cũng như về năng suất lao động càng nhỏ.

WB không phải là tổ chức quốc tế duy nhất đưa ra những số liệu, nhận định, cảnh báo như vậy về tương quan tham nhũng-tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Hồi đầu tháng này, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế công bố bảng xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 116/177.

Dựa trên kết quả khảo sát nhiều yếu tố, các quốc gia sẽ được cho điểm theo thang điểm từ 1 đến 100. Ðiểm càng thấp thì mức độ tham nhũng càng cao và ngược lại. Trong bảng xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013, Việt Nam chỉ được 31 điểm và thuộc nhóm 2/3 quốc gia có số điểm dưới 50. Tuy đã lên hạng (từ 123/176 hồi năm ngoái, nay là 116/177) nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm bị xem là để cho tham nhũng hoành hành. Tại khu vực Ðông Nam Á, Việt Nam chỉ hơn Lào (140/177), Miến Ðiện (157/177) và Campuchia (160/177).

Tham nhũng tràn lan với mức độ càng ngày càng nghiêm trọng không chỉ khiến cộng đồng quốc tế chê trách, công chúng Việt Nam phẫn nộ mà các đại biểu của Quốc Hội Việt Nam cũng “sốt ruột”. Ở kỳ họp Quốc Hội vừa diễn ra hồi tháng trước, ông Lê Như Tiến - một đại biểu Quốc Hội, nhận định, chính quyền Việt Nam “bày binh bố trận rầm rộ, bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, song chưa sát thương, tiêu diệt được bao nhiêu ‘giặc nội xâm’ là tham nhũng”.

Một đại biểu Quốc Hội khác tên là Huỳnh Nghĩa cũng cho rằng, Việt Nam “có ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, rồi tái lập ban nội chính trung ương và các tỉnh, thành để chống tham nhũng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chưa đáp ứng mong đợi của cử tri”.

Cho đến nay, nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam vẫn chỉ được thể hiện trên các diễn đàn của những hội nghị, hội thảo chứ không thể hiện trong thực tế.
Do bị chỉ trích kịch liệt, cuối tháng trước, Tòa Án Tối Cao tại Việt Nam ban hành một nghị quyết, hướng dẫn về việc áp dụng án treo. Theo đó, từ 15 tháng 12 trở đi, hệ thống tòa án tại Việt Nam không được cho các viên chức tham nhũng và phạm những tội liên quan đến chức vụ được hưởng án treo.

Trong nghị quyết vừa kể, Tòa Án Tối Cao tại Việt Nam xác định, “không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng”.

Chỉ đạo hệ thống tòa án không áp dụng án treo đối với những cá nhân tham nhũng được xem như một hình thức sửa sai của hệ thống tòa án tại Việt Nam. Trong vài năm qua, cả dân chúng, báo giới, lẫn Quốc Hội Việt Nam liên tục chỉ trích hệ thống tư pháp nói chung và hệ thống tòa án nói riêng thường xuyên nương tay với tham nhũng.

Tuy bị Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam chỉ trích kịch liệt nhiều lần nhưng số vụ án tham nhũng được phía công an và ngành kiểm sát “đình chỉ điều tra” trong sáu tháng đầu năm nay vẫn lên tới 35 vụ (gần 10%) và số bị cáo tham nhũng được hệ thống tòa án cho hưởng án treo hay phạt cải tạo không giam giữ vẫn chiếm tới 31.2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 34.2%).

Hồi cuối tháng 11, khi bàn về việc hoàn thiện các quy định của Luật Hình Sự Việt Nam để hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo tinh thần công ước chống tham nhũng, nhóm nghiên cứu kế hoạch, vốn do chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ này, từng đề nghị đưa tội “làm giàu bất chính” vào luật hình sự Việt Nam và bất kỳ viên chức nào không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc tài sản mà họ thủ đắc thì nên đưa viên chức đó ra tòa. Tuy nhiên đề nghị vừa kể đã bị một số viên chức phản đối kịch liệt. (G.Ð.)

No comments :

Post a Comment