Tuesday, July 16, 2013

• Đàm phán tự do mậu dịch với Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu trong thế yếu

Thanh Hà - rfi

Vòng 1 tiến trình đàm phán tự do mậu dịch giữa Washington và Bruxelles vừa kết thúc. Hai bên đã khoanh vùng những hồ sơ còn gây bất đồng. Do luật lệ không đồng nhất giữa 28 thành viên châu Âu, Mỹ sẽ khai thác những kẽ hở để lấn át đối phương. Châu Âu lép vế khi thương lượng với Hoa Kỳ.

Để giải thích với công chúng về tầm mức quan trọng của việc tiến tới một khu vực tự do mậu dịch chung với Hoa Kỳ- có tên chính thức là Transatlantic Trade & Investment Partenership (TTIP), 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu không ngớt phác họa ra một bức tranh hết sức tương sáng : Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tạo ra đến 50 % GDP toàn cầu, thu hút 20% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài, một khi bắt đầu có hiệu lực, khu vực tự do mậu dịch giữa hai bên bờ Đại Tây Dương sẽ là nơi chung chuyển 30 000 tỷ đô la hàng năm, 1/3 tổng trao đổi mậu dịch của thế giới phải đi ngang qua khu vực này.
Một khi tất cả các hàng rào thuế quan và phi quan thuế được xóa bỏ, hàng năm Liên Hiệp Châu Âu trông thấy tỷ lệ tăng trưởng của mình tăng thêm được 0,5 % và đây là cơ hội để tạo thêm « hàng trăm ngàn » công việc làm cho người dân trên Lục địa Già – 800 000 việc làm theo thẩm định của Viện nghiên cứu Kinh tế Đức. Với hiệp định TTIP Mỹ hàng năm sẽ thu thêm vào được 95 tỷ euro, và phía châu Âu là 115 tỷ, theo như dự phóng của cơ quan nghiên cứu Center of Economic Policy, trụ sở tại Luân Đôn.
Vào lúc kinh tế châu Âu đang đình đốn, 9 trong số 17 nước sử dụng đồng euro tăng trưởng ở số âm, hiệp định tự do mậu dịch với Mỹ được trình bày như một chính sách kích cầu đại quy mô. Phía Mỹ cũng xem hiệp ước thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương là một cơ hội để tạo công việc làm cho « hàng triệu người dân Mỹ », như tổng thống Barack Obama đã từng tuyên bố trong bài diễn văn về tình hình Liên bang.

Âu Mỹ liên kết để cô lập Trung Quốc
Bên cạnh những mục tiêu kể trên, chủ đích tiềm tàng mà cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Châu Âu cùng theo đuổi đó là liên kết với nhau để áp đặt một số luật chơi, đặc biệt là trước ông khổng lồ Trung Quốc. Như đã biết khi nói tới hiệp định tự do mậu dịch, người ta nghĩ ngay đến việc xóa bỏ các hàng rào quan thuế và phi quan thuế. Hiện tại đối với phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của châu Âu sang Mỹ và ngược lại, thuế nhập khẩu đã ở mức rất thấp, khoảng 3 %. Ngược lại các rào cản phi quan thuế mới là cốt lõi của vấn đề.
Cả Âu lẫn Mỹ cùng viện cớ vì quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, hay quyền sở hữu trí tuệ, để giới hạn hàng nhập từ bên ngoài vào. Đây không hơn không kém là một hình thức bảo hộ trá hình. Qua tất cả các hiệp ước mậu dịch, Washington muốn lôi kéo thêm đồng minh về phía mình để những luật chơi chung mà Mỹ đề ra được càng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng chừng nào, tốt chừng nấy.
Đó là một chiến lược nhằm cô lập những đối tác thương mại đang lên đứng đầu là Trung Quốc. Chưa kể là Mỹ và Châu Âu lại chia sẻ một số những giá trị về văn hóa, chính trị … Chắc chắn là trước những chuẩn mực về vệ sinh, an toàn, thì châu Âu gần với mỹ hơn là với Trung Quốc. Về điểm này, trả lời rên đài pháp ngữ RFI chuyên gia Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng kinh tế quốc tế CEPII phân tích :
« Rõ ràng là yếu tố Trung Quốc luôn luôn hiện diện trong tiến trình đàm phán, và đó là động cơ thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ tiến tới một hiệp định tự do mậu dịch. Nhìn lại quá khứ, từ sau Thế chiến thứ Hai đối tác Âu Mỹ luôn là chìa khóa và động cơ của tất cả các cuộc đàm phán thương mại đa phương. TTIP chỉ là sự tiếp nối trong logic tự do hóa mậu dịch toàn cầu nói chung. Thế nhưng tương quan lực lượng trên thế giới đã thay đổi. Cặp bài trùng Mỹ -Châu Âu không còn độc quyền để áp đặt quan điểm của mình đối với phần còn lại của thế giới. Sự vươn lên của các nền kinh tế như là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil … cho thấy là châu Âu và Hoa Kỳ không thể làm được gì nếu không có đồng thuận của những quốc gia đó. Trước bối cảnh mà trọng tâm kinh tế của thế giới đang dồn về châu Á, thì Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu qua hiệp định tự do mậu dịch, đang tìm cách liên kết với nhau để có trọng lượng lớn hơn trên bàn cờ thương mại quốc tế ».

"Được" và "thua" với TTIP
Chưa biết đến khi nào Bruxelles và Washington kết thúc đàm phán. Phía châu Âu mong mỏi hiệp định sẽ được hoan tất vào cuối năm 2014. Nhưng cả hai bên bờ Đại Tây Dương cùng không tin là từ nay đến đó, Mỹ và châu Âu san bằng được tất cả những bất đồng. Cuộc thương lượng giưa hai ông khổng lồ thương mại của thế giới này mới chỉ vừa mở màn. Vòng 1 diễn ra trong 5 ngày từ mồng 8 đến 12/07/2013.
Trưởng đoàn châu Âu, Ignacio Garcia Bercero đánh gía tuần lễ làm việc vừa rồi là « có hiệu quả ». Đại diện cho Hoa Kỳ, Dan Mullaney thì nói đến những tiến bộ “tích cực” mà đôi bên đã đạt được. Mỹ và Châu Âu sẽ gặp lại nhau vào tháng 10/2013 tại Bruxelles để tiến hành vòng đàm phán thứ nhì.
Trước khi đi xa hơn, xin trở lại với câu hỏi cơ bản là Hiệp định tự do mậu dịch đem lại những lợi ích nào cho Hoa Kỳ và Châu Âu ? Trước hết là đối với Mỹ, giám đốc viện Ceppi, Sébastien Jean phân tích :
« Theo tôi thì các vòng đàm phán chỉ được mở ra một khi đôi bên cùng nhìn về một hướng, Do vậy mục tiêu quan trọng nhất là tìm ra đồng thuận để đạt đến một luật chơi chung. Cụ thể là về các chuẩn mực về môi trường, an toàn vệ sinh …

Thực tế thì cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Châu Âu cùng theo đuổi hai mục đích một khi họ có cùng một luật chơi trong lĩnh vực thương mại : một là giảm bớt những rườm ra về thủ tục hành chính, pháp lý … qua đó sẽ giảm được nhiều chi phí tốn kém. Thứ hai là một khi đã đồng ý về những chuẩn mực nào đó, họ sẽ áp đặt những chuẩn mực ấy với các đối tác thương mại ngoài khu vực Châu Âu và Hoa Kỳ. Đương nhiên là Mỹ muốn qua TTIP đem lại một làn gió mới cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ, thu hẹp các khoản nhập siêu.

Nhìn đến cấu trúc của cán cân thương mại Mỹ thì ta thấy Mỹ nhập nhiều hàng của châu Âu hơn là xuất khẩu sang Lục địa Già nhưng ngược lại trong hai lĩnh vực là tài chính và dịch vụ thì thặng dư cán cân thương mại lại nghiêng về phía Mỹ. Ngoài ra với hiệp định tự do mậu dịch, Washington muốn chen chân vào thị trường nông nghiệp của châu Âu, vốn còn được bảo vệ khá chặt chẽ ».
Còn về phía châu Âu phải chăng Bruxelles muoosn coi hiệp định TTIP như đòn bẩy kinh tế ? Giám đốc trung tâm nghiên cứuCEPII, Sébastien Jean trả lời :
« Phía châu Âu cũng muốn tiếp sức cho kinh tế qua hiệp định với Mỹ, tăng cường xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Châu Âu kỳ vọng tăng năng suất và khả năng cạnh tranh một khi khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới đi vào hoạt động. Nhưng chúng ta đừng nhầm tưởng rằng hiệp định tự do mậu dịch sẽ là chiếc đũa thần cho phép châu Âu giải quyết tất cả, cho phép Liên Hiệp Châu Âu khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính.

Chính sách thương mại chỉ là một yếu tố mà thôi. Đây chỉ là một trong số những chiếc chìa khóa cho phép châu Âu phục hồi kinh tế. Trong trường hợp của Anh Quốc chẳng hạn, Luân Đôn sẽ hưởng lợi nhiều hơn so với một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu khác một khi hiệp định tự do mậu dịch với Mỹ bắt đầu có hiệu lực ».
Một cách cụ thể Washington và Bruxelles sẽ thảo luận trên những hồ sơ nào ? Nhìn một cách tổng quát giám đốc viện CEPII phân tích :
« Hiện tại biên độ thuế đánh vào hàng nhập khẩu giữa hai khối Âu Mỹ gần như không còn nữa. Hầu hết hàng của châu Âu nhập vào Mỹ bị đánh thuế 2 %. Hàng Mỹ nhập vào châu Âu chịu thuế 3%. Nhưng trong một số trường hợp, thuế nhập khẩu cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn như châu Âu đánh thuế 13 % các mặt hàng nông nghiệp của Mỹ. Thịt gia súc nhập từ Hoa Kỳ đôi khi bị đánh thuế tới 50 % và thậm chí là 140 %.

Ngược lại thịt bò châu Âu bị cấm nhập sang Hoa Kỳ. Một điểm khác là Mỹ bảo vệ khá chặt chẽ ngành dệt may. Nguyên tắc cở bản của mọi hiệp ước tự do mậu dịch là hoàn toàn xóa bỏ các hàng rào quan thuế. Nhưng quan trọng hơn cả là các vòng đàm phán liên quan đến những hàng rào phi thuế quan. Cụ thể là những chuẩn mực về chất lượng, về an toàn, về y tế, về môi trường … Hiện nay hai khối Âu Mỹ đang áp dụng những chuẩn mực rất khác biệt nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phân biệt giữa những lập luận có cơ sở khoa học, với những lập luận với dụng ý bảo hộ ».

Nông nghiệp,hồ sơ lớn gây bất đồng giữa Mỹ và châu Âu.
(Photo : Union européenne)

Những trở ngại lớn
Tại vòng 1 vừa qua, đôi bên đã khoanh vùng ra một số những bất đồng lớn. Đó là những hồ sơ đòi hỏi nhiều thời gian để tìm ra đồng thuận. Quan trọng nhất có lẽ là vấn đề nông nghiệp. Phía Hoa Kỳ chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu khóa chặt thị trường đối với những sản phẩm biến đổi gen hay thịt bò nuôi bằng hormone. Đổi lại thì Mỹ vẫn viện cớ hội chứng “bò dại” để cấm nhập thịt bò từ châu Âu. Mỹ đã nhiều lần kiện châu Âu trước Tổ chức Thương mại Thế giới về việc châu Âu cấm nhập thực phẩm biến đổi gen. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán, Washinton đã đề rõ mục tiêu là phải xóa bỏ “ít nhất là một phần các rào cản của châu Âu đối với nông phẩm biến đổi gen”.
Hồ sơ gây nhiều tranh cãi thứ nhì liên quan đến chích sách bảo vệ các thông tin cá nhân. Nhiều tập đoàn “công nghệ tin học cao” của Mỹ, như Google hay mạng xã hội Facebook đang gia tăng áp lực đòi Washington thuyết phục Bruxelles giảm nhẹ các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân. Vào thời điểm những tiết lộ của Edward Snowden về chương trình PRSM suýt làm hỏng vòng 1 đối thoại thương mại Mỹ Âu, phía Hoa Kỳ khó có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của mình với Liên Hiệp Châu Ấu.
Hồ sơ gai góc thứ ba là đòi hỏi của một số nước châu Âu- đứng đầu là Pháp- không đưa các lĩnh vực văn hóa và hoạt động của ngành truyền thanh, truyền hình vào vòng thương lượng. Về điểm này,giới quan sát lo ngại là Mỹ sẽ khai thác những kẽ hở của châu Âu do bản thân các thành viên trong Liên Hiệp đến nay không có chung một tiếng nói. Bản thân một số thành viên phải đương đầu với chính lập trường của Bruxelles.
Một lĩnh vực khác mà ngay từ đầu, Mỹ và châu Âu đã bất đồng, đó là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Phía Hoa Kỳ đã lọai hẳn hồ sơ này khỏi các vòng đàm phán thương mại và đã tiến hành một vòng đàm phán riêng cho các dịch vụ tài chính.
Cuối cùng có một điểm à Bruxelles sẽ rất khó thuyết phục được Washington đó là xóa bỏ điều khoảng “Buy American” : các cơ quan nhà nước phải dành ưu tiên một số thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ. Mục tiêu mà Châu Âu muốn đặt được là buộc Hoa Kỳ thay đổi luật “Buy American Act” bằng “Buy Transatlantic Act”. Hiện tại châu Âu mở cửa đến 80 % thị truờng công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trên đất Mỹ tỷ lệ đó chỉ là 30 %.
TTIP tạo thêm việc làm ?
Trước tình cảnh thất nghiệp đang dâng cao ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ đều coi hiệp ước TIPP như một ngõ thoát. Châu Âu và Mỹ theo thứ tự nói tới cơ hội tạo thêm “cả trăm ngàn” hoạc “cả triệu” chỗ làm. Thế nhưng các chuyên gia hoài nghi về những con số kể trên. Bruxelles và Washington trông chờ vào “hiệu ứng đòn bẩy” của khu vực xuất khẩu để tạo thêm việc làm cho người dân. Đồng ý là xuất khẩu tăng, thì đây là cơ hội đem lại việc làm. Nhưng ngược lại với khu vực tự do mậu dịch, áp lực cạnh tranh của khu vực sản xuất cũng sẽ lớn hơn. Nếu không tăng được năng suất, thì một doanh nghiệp sẽ rất dễ bị các đối thủ quốc tế đè bẹp. Thử hỏi là liệu khi đó mục tiêu tạo thêm việc làm có còn được bảo đảm nữa hay không ?
Bên cạnh đó chủ trương dùng thương mại làm đòn bẩy kinh tế chỉ thực sự có tác động tích cực khi hàng hóa phân phối của mỗi bên thực sự bổ sung cho nhau. Thực tế cho thấy là cấu trúc trong cán cân thương mại của Mỹ và Châu Âu, không khác biệt nhiều với nhau. Do vậy nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra hoài nghi về tác động hỗ tương của chính sách thúc đẩy thuơng mại song phương.

Chia rẽ trong hàng ngũ châu Âu
Nhưng có lẽ nhược điểm lớn nhất của Liên Hiệp Châu Âu đó là quyền lợi rất các biệt của mỗi thành viên trong nhóm 28 nước thuộc Liên hiệp. Trong bối cảnh thị trường của khối euro đang tuột dốc do tác động khủng hoảng kéo dài, nước Đức của thủ tướng Merkel đang nóng lòng mở rộng địa bàn hoạt động sang Hoa Kỳ. Lại cũng Berlin đề phòng khả năng đồng euro tăng giá so với đô la nên các tập đoàn lớn của Đức đều đã có chi nhánh ở Mỹ lại càng muốn mở rộng địa bàn hoạt động ở bên kia Đại Tây Dương. Trong bối cảnh đó theo lời chuyên gia kinh tế Jacques Sapir, giám đốc Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội EHESS –Paris, chính quyền Đức sẽ gây áp lực để hiệp định TTIP nhanh chóng được hoàn tất cho dù là châu Âu –và kể cả bản thân nước Đức có bị một số thiệt thòi. Chỉ nội điểm này cho thấy là các doanh nghiệp Đức không hẳn coi mục tiêu tạo công việc làm cho người Đức là một ưu tiên.
Về phần mình phó giám đốc cơ quan tư vấn về tài chính, kinh tế, Sia Partners ông Jean Pierre Corniou lưu ý : Liên Hiệp Châu Âu do không có cùng một tiếng nói, nên trước khi đàm phán với Mỹ hay bất kỳ một đối tác quan trọng nào thì bản thân Liên hiệp đã phải vượt lên trên những bất đồng nội bộ. Ngay giữa 28 nước thành viên đã có những màn thương lượng gay go, có những nhóm liên kết với nhau để tạo ảnh hưởng trước khi bắt đầu đàm phán với đối tác ngoài châu Âu. Nếu như Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với những mục tiêu rõ ràng, thì ngược lại lập trường của châu Âu vẫn còn chưa nhất quán. Điển hình là câu hỏi có nên đưa lĩnh vực “văn hóa” vào các vòng đàm phán hay không, đã gây chia rẽ trong bối bộ Liên Hiệp Châu Âu.
Hơn nữa lần này, đàm phán với Mỹ không phải đơn giản. Luật lệ và các chuẩn mực của mỗi nước trong Liên hiệp mỗi khác. Điều đó sẽ dễ bị Hoa Kỳ khai thác đạt được những mục tiêu mong muốn. Mỹ lại giàu kinh nghiệm trong các quá trình đàm phán thương mại và hiện đang thương lượng với 10 nước á châu về hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP.
Điểm yếu khác của Châu Âu là vào lúc Bruxelles muốn nhanh chóng trông thấy hiệ định TTIP chào đời, để qua đó giải quyết một phần lớn những khó khăn (tăng trưởng, thất nghiệp …) thì ngược lại, TTIP là một công cụ để về lâu về dài Hoa Kỳ thống lĩnh thị trường thương mại thế giới, cản đường Trung Quốc và từng bước giảm bớt tầm ảnh hưởng của Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO/OMC). Sau khi thấy các vòng đàm phán thương mại đa phương tại WTO liên tục bị bế tắc, Mỹ trở lại với mô hình đàm phansosng phương để nhanh chóng áp đặt luật chơi với quốc tế. Trong chiến lược thương mại đó, TTIP sẽ là công cụ của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu sẽ là một đồng minh nếu không muốn nói là một lá chủ bài lợi hại của Mỹ.




No comments :

Post a Comment