Sunday, April 13, 2014

• Trung Quốc và hành động “Ngư Ông đắc lợi”


000_Nic6300125-305.jpg
Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi trong một cuộc họp báo vào ngày 23 tháng 2 năm 2014 tại thủ đô Baghdad, Iraq.
AFP PHOTO / Sabah ARAR
Thanh Quang, phóng viên RFA

Trung Quốc ngoài chuyện ngày càng đẩy mạnh tham vọng bành trướng bá quyền, như tại vùng biển Đông và cả biển Hoa Đông nhưng luôn lớn tiếng “sống chung hòa bình”, “không hề chủ trương tạo thêm căng thẳng”, “ luôn theo đuổi mục tiêu giải quyết mọi tranh chấp bằng đường lối ngoại giao”…, thì hiện có một đặc điểm gây nhiều chú ý của Hoa Lục là trong thế “tọa sơn quan hổ đấu” để trở thành “Ngư Ông đắc lợi”.

Trục lợi ở Trung Đông

Chuyện “Ngư Ông đắc lợi” của Trung Nam Hải nổi bật nhất là kể từ khi Bắc Kinh vững mạnh về kinh tế và đặc biệt là về quân sự sau khi ông Đặng Tiểu Bình theo đuổi chủ trương “mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột” và chỉ thị thuộc cấp “giấu mình chờ thời”.
Có lẽ công luận bắt đầu lưu ý đến hành động “Ngư Ông đắc lợi” của Trung Quốc diễn ra tại Trung Đông sau khi lực lượng đa quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu tiến vào Afghanistan hồi năm 2001 vì bị khủng bố tấn công và sau khi Tổng thống George W. Bush đưa quân chiếm đóng Iraq hồi năm 2003 với cớ ngăn chận võ khí tàn sát hàng loạt của Saddam Hussein.
Hoa Kỳ bị dính sâu vào những vùng nóng ở các khu vực khác thì tiến trình tái cân bằng cũng như trở lại Á Châu của Hoa Kỳ bị chậm đi. Điều đó là có lợi cho Trung Quốc.
-LS Vũ Đức Khanh
Qua bài tạm dịch là “Chiến tranh vì dầu hỏa: Trung Quốc trục lợi từ cuộc chiến 10 năm của Mỹ ở Iraq”, chuyên gia Ken Schortgen Jr. nhận xét rằng “trong khi trên thực tế Hoa Kỳ chẳng kiếm được bao nhiêu dầu qua nỗ lực dân chủ hóa xứ Iraq, thì hàng ngàn chiến binh Mỹ đã bỏ mình ở đó mà xem chừng như để cho Trung Quốc “đắc lợi” (qua những hợp đồng) từ chính phủ Iraq mới được dựng lên”. Theo bài báo , “Trung Quốc kiên nhẫn nằm chờ bên lề trong khi Hoa Kỳ cùng đồng minh lo ứng phó với nội tình mới, thường hỗn độn, tại Iraq sau khi lật đổ Saddam Hussein năm 2003, thì Trung Quốc tái xuất hiện hồi năm 2008 và ký kết hợp đồng béo bở đầu tiên thời hậu Saddam”.
Tạp chí The Diplomat còn cho hay Bắc Kinh hồi năm 2010 đã ký với Baghdad nhiều hiệp ước thương mại trị giá nhiều tỷ đô la trong nhiều lãnh vực, từ công nghiệp, du lịch cho tới giao thông.
Chuyên gia Ken Schortgen vừa nói cũng không quên nhắc tới chuyện Trung Quốc đã đặt nền tảng cho hoạt động hầm mỏ ở Afghanistan, nơi “lính Mỹ chiến đấu và bỏ mạng để mở hành lang kinh tế tự do và dân chủ” tại xứ này. Chuyên gia vừa nêu khẳng định rằng qua hậu quả một thập niên tử vong của lính Mỹ tại cả Iraq lẫn Afghanistan, liên minh kinh tế và hợp tác ngoại quốc do Hoa Kỳ hình thành chẳng mang lại thành quả bao nhiêu, nên cái “khỏang trống” đó được cường quốc Trung Quốc đang trỗi dậy nhảy vào”.
001_GR346140-250.jpg
Bản đồ hình lưỡi bò trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương công bố. AFP PHOTO.
Hoặc, chuyện “Ngư Ông đắc lợi” của Trung Quốc ở Ả Rập Saudi, khi ý định công khai của Riyadh qua chính sách ngoại giao quay lưng với Mỹ thì nó cũng hàm ý một sự chuyển hướng sang Bắc Kinh dù Ả Rập Saudi khó có thể hoàn toàn từ bỏ “ô dù an ninh” của Mỹ.
Hai phân tích gia Hoa Kỳ Daniel Wagner và Giorgio nêu lên câu hỏi qua bài “Liệu Hoa Kỳ có mất Ả Rập Saudi vào tay Trung Quốc hay không?”, lưu ý rằng “Trung Quốc hài lòng dù không được xem là nước tích cực xúc tiến ổn định trong khu vực (Trung Đông), nhưng lại trục lợi từ hoạt động quân sự của Mỹ”, “Trung Quốc cũng hài lòng là chơi trò trở ngại cho nỗ lực quốc tế do Mỹ dẫn đầu cô lập kinh tế Iran, để (Bắc Kinh) trở thành nước xuất khẩu số một sang thị trường Iran”. Bài báo kết luận rằng “Trung Quốc nằm chờ cho đúng thời cơ để khai thác cơ hội trong tương lai khi xảy ra rạn nứt giữa Washington và Riyadh”.
Có lẽ hành động “Ngư ông đắc lợi” rõ rệt nhất của Bắc Kinh hiện giờ – nói theo lời tác giả Jeanette Seiffert - là “Trung Quốc thấp thỏm đợi chờ trong vụ Crimea” và cả Ukraine.

“Tọa sơn quan hổ đấu”

Qua tiểu tựa hàm ý “Bắc Kinh làm ngư ông đắc lợi”, tác giả nhận định rằng biện pháp phương Tây cấm vận kinh tế đối với Nga có thể có lợi cho Trung Quốc. “Trung Quốc, đã là nước mua dầu nhiều nhất của Nga, chắc chắn hài lòng trước diễn biến này, và có thể trở thành ‘Ngư Ông đắc lợi’ trong vụ khủng hỏang Ukraine, trục lợi trong khi những nước khác đánh đấm nhau”, mà một cái lợi hàng đầu cho Trung Nam Hải hẳn là có cơ may mua được võ khí tối tân cùng lượng dầu hỏa với ‘giá hữu nghị” của Maxtcơva.
Theo Chủ tịch Ecrhard Cordes của Ủy ban Quan hệ Kinh tế Đông Âu Đặc trách Các Hiệp hội Công nghiệp Đức, thì Nga sẽ ngày càng xa lánh Âu Châu, thì Trung Quốc sẽ là kẻ được lợi. Hay nói đúng hơn, cuộc đấu nhau giữa con hổ Mỹ/EU và con hổ Liên bang Nga tiếp diễn càng lâu thì con “tàng long” Trung Nam Hải trong thế ‘tọa sơn quan hổ đấu” càng đắc lợi.
Việc Nga chiếm Crimea một cách dễ dàng như vậy tạo nên một tiền đề pháp lý và chiến lược để một ngày nào đó, TQ nhân danh một lý do lịch sử cũng như việc bảo vệ Hoa Kiều ở đâu đó.
-GS Nguyễn Hưng Quốc
Về vấn đề này, từ Canada, LS Vũ Đức Khanh, chuyên về bang giao quốc tế và vấn đề biển Đông, nhận xét:
“Trong bối cảnh chính trị thế giới hiện giờ, nếu như Hoa Kỳ bị dính sâu vào những vùng nóng ở các khu vực khác thì tiến trình tái cân bằng cũng như trở lại Á Châu của Hoa Kỳ bị chậm đi, hoặc có thể phải có những thay đổi chiến thuật khác. Điều đó là có lợi cho Trung Quốc. Và trong mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Nga hiện giờ, coi như Trung Quốc đạt được lợi nhiều nhất trong vấn đề đó. Vì khi Hoa Kỳ đụng với Nga trong hiện tại bằng những đòn kinh tế, Nga bắt buộc phải có những thỏa hiệp với Trung Quốc để tiếp tục đứng vững về kinh tế; đồng thời Nga hoặc Hoa Kỳ cũng phải đổ thêm nguồn nhân lực, vật lực vào Cimea và Ukraine.”
Qua bài “ Bàn cờ mới: Trung Quốc được lợi”, GS Nguyễn Hưng Quốc ở Úc nhận xét rằng nước có lợi lớn nhất trong cuộc xâm lấn Crimea của Nga vừa rồi chắc chắn là Trung Quốc, như ông phân tích:
“Lợi ở hai điểm chính: Một, kế hoạch bao vây và kiềm chế Trung Quốc của Mỹ chắc chắn sẽ chậm lại và yếu hơn; như vậy, Trung Quốc sẽ có đủ thời gian để phát triển quân sự ở châu Á; hai, việc Nga lấn chiếm Crimea một cách dễ dàng như vậy cũng tạo nên một tiền đề pháp lý và chiến lược để một ngày nào đó, Trung Quốc nhân danh một lý do lịch sử cũng như việc bảo vệ Hoa Kiều ở đâu đó có thể xua quân lấn chiếm lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của các nước khác. Đối tượng đáng lo nhất trước mắt là nhóm đảo Điếu Ngư / Senkaku hiện đang tranh chấp với Nhật, đảo Hoàng Nham / Scarborough hiện đang tranh chấp với Philippines; Trường Sa và rộng hơn, Biển Đông hiện đang tranh chấp với Việt Nam.”
Sau khi phân tích về việc “Ngư Ông TQ đắc lợi”, GS Nguyễn Hưng Quốc không quên nêu lên câu hỏi rằng “Chuyện liên quan đến Nhật và Philippines thì đã có hai nước ấy lo; còn chuyện liên quan đến Việt Nam thì sao? Ai lo?”

No comments :

Post a Comment