Đội tuyển Nhật, niềm hy vọng của bóng đá châu Á tại Cúp thế giới Brazil 2014. |
Chỉ còn hơn hai tháng nữa, Cúp bóng đá thế giới 2014 sẽ khai cuộc tại Brazil, 32 đại diện cho tinh hoa của bóng đá của hành tinh đã sẵn sàng. Chương trình Thể thao Chủ nhật sẽ lần lượt giới thiệu những gương mặt tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, bốn năm mới có một lần.
Bốn người khổng lồ của châu lục đến với Brazil 2014 gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Úc. Đó là những đội bóng quen thuộc của các kỳ Cúp thế giới gần đây. Hàn Quốc đã 8 lần có mặt tại vòng chung kết Cúp thế giới, Nhật Bản 4 lần và Úc cũng đã có 4 lần, còn đối với Iran thì tới đây sẽ là kỳ World Cup thứ tư của đội tuyển đến từ vùng tây Á.
Chuyên gia bóng đá Trần văn Mui tại Sài Gòn điểm qua những nét chân dung chính cùng hy vọng của các đại diên Châu Á ở Brazil 2014 :
Bóng đá Uruguay bị các thế lực tài phiệt chính trị thao túng
Tiếp tục với môn bóng tròn, chúng ta chuyển qua khu vực Nam Mỹ đến với Uruguay, nước đã tổ chức Cúp bóng đá thế giới lần đầu năm 1930. Trong tuần, bóng đá Uruguay vốn đã bị ấn tượng bới các vụ bạo lực sân cỏ, lại rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn sau quyết định của Tổng thống Jose Mujica cho rút lực lượng cảnh sát bảo vệ ra khỏi sân vận động Montevideo. Có điều là quyết định rút lực lượng giữ gìn trật tự ra khỏi sân vận động lại diễn ra sau vụ ẩu đả dữ dội giữa các cổ động viên trong một trận đấu ở Cúp Libertadores. Hệ quả tiếp theo là các cầu thủ đình công bởi tình trạng bạo lực.
Bất lực trước tình hình như vậy, Chủ tịch cùng cả ban lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Uruguay tuyên bố từ chức, Fifa phải nhảy vào cuộc... Đằng sau những diễn biến đó là một thực trạng của bóng đá Uruguay từ nhiều năm qua, đó là một vài đại gia dựa vào thế lực chính trị để thao túng, kiếm lời trong bóng đá.
Ông Alejandro Valente, trưởng ban Thể thao của RFI, đồng thời là một chuyên gia về bóng đá Nam Mỹ trở lại với sự kiện đang làm chấn động nền bóng đá Uruguay, trong lúc mà Cúp thế giới đang tới gần :
Như chúng ta biết, đa số các nước Nam Mỹ, đặc biệt là những nước như Brazil, Achentina và Uruguay, đây là những nước nổi tiếng trên thế giới vì những vụ bạo lực trên sân cỏ khiến cho giải vô địch quốc gia ở các nước này bị trừng phạt rất nặng. Hiếm có tuần nào là không có những sự cố bạo lực nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến chết người ở những giải đấu bóng ở các nước này. Tuần qua, các vụ bạo lực sân cỏ ở Uruguay đã xảy ra đặc biệt dữ dội, nhất là trong trận tranh Cúp Libertadores, tương đương như Cúp C1 của bóng đá Châu Âu.
Đó là trận đấu diễn ra ở Montevideo, cảnh tượng bạo lực đã diễn ra cực kỳ dữ dội. Thế nhưng chính quyền Uruguay lại quyết định rút lực lượng giữ gìn trật tự ra khỏi sân vận động, chỉ để lại một số ít bảo vệ các nhân viên bán vé hay kiểm soát vé vào sân. Ngay lập tức công đoàn các cầu thủ đã kêu gọi các đội bóng ở Uruguay ngừng thi đấu.
Đây là một quyết định hợp lý trong điều kiện như vậy và thế là từ một tuần nay, giải vô địch quốc gia ở nước này bị tê liệt hoàn toàn. Sự kiện này đã dẫn đến việc chủ tịch liên đoàn bóng đá Uruguay từ chức ngay lập tức. Chủ tịch liên đoàn Sebatian Bauza và các cộng sự của ông nhận thấy không thể tiếp tục làm nhiệm vụ trước các vụ bạo lực sân cỏ như vậy.
Hiện tượng bạo lực sân cỏ này là mới hay là hiện tượng đã lặp đi lặp lại nhiều lần ?
Hiện tượng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Thực ra thì từ nhiều năm qua. Hiện tượng bạo lực trên sân cỏ đã phát triển trên quy mô lớn. Rất nhiều câu lạc bộ có những nhóm được tổ chức chặt chẽ, những nhóm này thường tiến hành các vụ tống tiền các cầu thủ, các khán giả. Nói tóm lại là những nhóm này muốn thao túng bóng đá Uruguay. Liên đoàn bóng đá nước này đã ra một số quyết định liên quan đến việc kiểm soát khán giả vào sân nhưng cũng không đủ để có thể kiểm soát được tình trạng bạo lực. Người ta thấy đây là những nhóm người có tổ chức, họ có thể lọt qua mọi sự kiểm soát.
Đằng sau các vụ việc này người ta có nói đến bàn tay của một nhân vật, được cho là người cực kỳ có thế lực trong bóng đá Uruguay ?
Cũng nên biết là ở Uruguay từ ít nhất hai thập kỷ qua, có một người gần như có thể thao túng toàn bộ các hoạt động bóng đá nước này, đó là ông Pacco Casal. Nhân vật này không nổi ở trên trường quốc tế nhưng lại rất nổi tiếng ở trong nước. Ông này trưởng thành từ nghề nhặt bóng, rồi sau đó là cầu thủ. Nhưng ông ta làm giàu chủ yếu qua các thương vụ mua bán cầu thủ. Trong những năm 1980, ông ta nắm trong tay gần như toàn bộ, phải có đến 80% cầu thủ Uruguay. Ông ta có quyền rất lớn trong các câu lạc bộ. Ông ta là người quyết định cầu thủ này hay cầu thủ kia có thể sang chơi bóng ở Châu Âu. Vai trò kiểm soát của ông ta lan sang cả đội tuyển quốc gia.
Tôi còn nhớ trong Cúp thế giới năm 1990 tại Ý, tôi có theo dõi đội tuyển Uruguay và thấy Paco Casal có mặt ở khắp nơi, trên băng ghế chỉ đạo, tham gia trong các buổi tập của đội, cứ như ông ta là huấn luyện viên phó. Vào thời kỳ đó, đội tuyển vẫn dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên bây giờ là ông Oscar Washington Tavares. Paco Casal là một con người có quyền trong lĩnh vực khác đó là khi ông ta nảy ý định thành lập một công ty sản xuất truyền hình. Công ty của ông ta kiểm soát toàn bộ bản quyền phát sóng các trận đấu đấu không chỉ của giải vô địch quốc gia mà còn của cả câu lạc bộ.
Người ta nói đó là một ông chủ giàu có nhất Uruguay, thậm chí ở Uruguay có người còn gọi Paco là mafia, nhưng tóm lại đây là một con người cực kỳ quyền thế, giàu có. Tất cả các câu lạc bộ bóng đá ở Uruguay dường như đều nợ ông ta cái gì đó. Ông ta nổi tiếng là người có thể làm gì mình muốn với đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, ông ta còn là một người thân cận với tổng thống Uruguay hiện nay.
Paco Casal là người chống lại Chủ tịch Liên đoàn bóng đá quốc gia bởi ông tố cáo Paco là người thao túng bóng đá Uruguay. Dường như trông cậy vào sự hậu thuẫn của chính phủ, Paco Casal muốn đẩy ông Chủ tịch Liên đoàn đi. Fifa không thể chấp nhận được vì không muốn chính phủ can thiệp vào công việc nội bộ của liên đoàn.
Cuộc khủng hoảng hiện nay có ảnh hưởng đến sự tham dự Cúp bóng đá thế giới của Uruguay ?
Tổng thống Uruguay nói ông không can thiệp vào việc từ chức của các lãnh đạo liên đoàn bóng đá nước này. Đúng là ông ta không can thiệp trực tiếp, nhưng quyết định rút lực lượng giữ gìn trật tự ra khỏi sân của Tổng thống José Mujica là một hình thức tạo thêm áp lực đối với chủ tịch liên đoàn cũ. Chắc chắn ban lãnh đạo mới của Liên đoàn bóng đá quốc gia sẽ làm dịu tình hình. Các trận đấu cuối tuần này phải trở lại bình thường, nhưng các vụ bạo lực sẽ không thể mất hẳn. Cuối cùng thì, công ty Tenfield của ông Paco Casal vẫn tiếp tục làm ăn tốt với bóng đá Uruguay.
No comments :
Post a Comment