Wednesday, February 26, 2014

Mỹ: Việt Nam cải thiện nhân quyền mới bán võ khí

WASHINGTON DC (NV) .- Hoa Thịnh Đốn vẫn đang chờ chế độ Hà Nội cải thiện nhân quyền để có thể bán các trang bị quốc phòng nhưng hiện chưa thấy có dấu hiệu gì thay đổi.
Một trong số đông đảo công an ngăn cản người dân biểu tình,
 gồm ca người khiếu kiện đất đai, đòi tới tòa án ở Hà Nội
khi xử phúc thẩm LS Lê Quốc Quân ngày 18/2/2014.
(Hình: CAT BARTON/AFP/Getty Images)

Trong một bản tin ngắn hôm Chủ nhận vừa qua, ông Kenneth Handelman, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ  đặc trách giám sát thương mại Quốc phòng nói với tạp chí thông tin An ninh Quân sự quốc tế HIS Jane’s rằng, 'các nỗ lực mở rộng mối quan hệ an ninh với khu vực  Á châu – Thái Bình Dương có thể thúc đẩy Hoa Thịnh Đốn nới lỏng cấm vận võ khí với Việt Nam và Miến Điện.'

Tuy hiện tại, theo ông Handelman cho biết, việc bán các trang bị quân sự cho hai nước vừa kể không  xảy ra nhưng có thể tiến hành trong tương lai nếu những vấn đề như các quan ngại về nhân quyền được giải quyết.

Năm ngoái, cả Hoa Kỳ và Liên Âu đã giải tỏa các giới hạn về đầu tư và thương mại với Miến Điện sau khi đám lãnh tụ quân phiệt của nước này trả tự do cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và hàng trăm tù nhân chính trị.

Với Việt Nam, hàng chục công ty lớn nhỏ của Mỹ và châu Âu đã có những dự án đầu tư sản xuất quan trọng tại Việt Nam từ nhiều năm qua. Dự án sản xuất chip điện tử của Intel với vốn đầu tư 1 tỉ USD là một thí dụ điển hình.

Việt Nam chỉ thỏa thuận được với Hoa Kỳ để trở thành “đối tác toàn diện” mà không là “đối tác chiến lược” vì các bất đồng quan điểm trong đó có vấn đề nhân quyền. Bởi vậy, các viên chức từ lập pháp tới hành pháp của Hoa Kỳ, trong các lời phát biểu trước báo chí đều không ngần ngại cho biết lý do chính yếu cản trở việc Việt Nam mua các loại trang bị quốc phòng tối tân của Mỹ là Hà Nội vẫn đàn áp nhân quyền trầm trọng.

Việt Nam đã ký thỏa thuận “đối tác chiến lược” với 10 nước trên thế giới trong đó gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ trừ Hoa Kỳ. Một mặt, Hà Nội rất muốn mua các trang bị quân sự nổi tiếng của Mỹ, nhưng mặt kia, vẫn đàn áp không khoan nhượng các đòi hỏi nhân quyền, dân chủ hóa đất nước. Đây là trở lực mà Hà Nội, qua các bằng chứng,  chưa muốn vượt qua.

Trong chuyến công du 3 ngày tới Việt Nam hồi giữa Tháng 12 năm 2013, Ngoại trưởng John Kerry được Hà Nội coi như bạn vì đã giúp bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cựu thù, chỉ loan báo giúp tín dụng cho Việt Nam mua 5 tàu tuần nhỏ ven biển trị giá khoảng  18 triệu USD cho Lực lượng Cảnh sát biển.

Loại tàu này hiển nhiên không phải là thứ mà Hà Nội mong ước. Nhà cầm quyền Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương nhưng vẫn chưa thấy thành công để mua những trang bị quân sự chiến lược quan trọng.

Trong bản phúc trình hàng năm về nhân quyền và tự do tôn giáo thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn nêu ra các bằng chứng cụ thể chứng minh CSVN vẫn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Khi đến Việt Nam giữa năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, Leon Paneta, đã được yêu cầu thúc đẩy bãi bỏ cấm vận bán võ khí sát thương nhưng ông cũng đã xác định quan điểm của Hoa Thịnh Đốn là Việt Nam cần cải thiện nhân quyền trước.

Tháng  Giêng 2012, hai nghị sĩ Joseph Lieberman và John McCain đã cho hay, nhà cầm quyền Việt Nam cho họ một danh sách rất dài các loại trang bị quân sự muốn mua của Mỹ hoặc muốn được Mỹ viện trợ, gồm cả hỏa tiễn phòng không Patriot đến radar .

“Có nhiều loại hệ thống võ khí người Việt Nam muốn mua của chúng tôi nhưng chúng tôi không thể chuyển giao chúng cho họ.” Ông Lieberman nói với hãng tin Bloomberg ngày 21/1/2012. “Những điều đó không thể xảy ra trừ phi họ cải thiện nhân quyền”.

Năm ngoái, có tin Hà Nội muốn mua một số máy bay tuần tra biển bán phản lực Orion P-3 hiện Mỹ đang cho nằm ụ hàng trăm chiếc vì đang được thay thế dần bằng loại phản lực Poseidon tối tân hơn. Một viên chức nhà sản xuất Lockheed cho hay nếu có thể được Hoa Thịnh Đốn thỏa thuận  thì cũng chỉ bán những máy bay này cho Việt Nam mà không có võ khí kèm theo cho tới khi Hà Nội cải thiện nhân quyền. Hiện cũng không thấy có tin tức gì tiếp theo về việc này. Cũng  không có tin tức gì rõ rệt về việc Hoa Thịnh Đốn bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam theo một đạo luật có từ năm 1984 hay chưa.

Ngày 18/2/2014, nhà cầm quyền Việt Nam đã xử y án sơ thẩm đối với luật sư Lê Quốc Quân, một người đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước rất tích cực. Không cột ông vào các tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước…”, ông bị vu cho tội “trốn thuế” với bản án 30 tháng tù mà ông hoàn toàn phủ nhận.  Ông tuyên bố rằng bản án mà một bị áp đặt chỉ là mưu đồ chính trị của nhà cầm quyền độc tài..

Tuần tới, nhà báo tự do Trương Duy Nhất cũng sẽ bị lôi ra tòa nhưng với cái tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo điều 258 của Luật Hình Sự CSVN. Điều luật này bị hàng trăm người viết blogs hay có trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook lên án là vi phạm trắng trợn các quyền con người mà chế độ Hà Nội đã ký các công ước quốc tế cam kết tôn trọng.

Mỗi năm, nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù hàng chục người viết blogs kêu gọi dân chủ hóa đất nước hay đấu tranh đòi tự do tôn giáo bất chấp sự phản đối của thế giới. Tại kỳ báo cáo kiểm điểm nhân quyền tại Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 5/2/2014 vừa qua, Việt Nam vẫn chống chế thành tích nhân quyền tồi tệ của mình dù các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các nước Tây phương đã chứng minh ngược lại.

Những lời tuyên bố của phụ tá thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Kenneth Handelman với tạp chí thong tin an ninh quốc phòng IHS Jane’s xác định thêm một lần nữa là Hoa Thịnh Đốn chưa thay đổi quan điểm về bán võ khí cho Việt Nam. Đồng thời, Hà Nội vẫn ngang nhiên đàn áp, đánh đập, bỏ tù những ai kêu gọi đa nguyên đa đảng, bầy tỏ lòng yêu nước chống Trung Quốc bá quyền bành trướng, đòi tự do tôn giáo hay chỉ trích tham nhũng thối nát. (TN)

1 comment :

  1. Không bán thì người ta mua của nước khác, nhiều nước bán được là mừng chứ cần gì phải mua ccủa Mỹ .

    ReplyDelete