Friday, July 5, 2013

• TT Obama sút ‘bóng phát điện' ghi bàn thắng trên sân Phi châu

Tổng thống Barack Obama tâng quả bóng phát điện
Soccket ball tại nhà máy điện Ubongo Power Plant ở thủ đô
Dar es Salaam của Tanzania, ngày 2/7/2013.
Không phải là một David Beckham, song Tổng thống Obama đã biểu diễn tâng bóng bằng chân, hãm bóng rồi tâng bóng bằng đầu trước sự ngạc nhiên của đám đông người Tanzaina vốn rất giỏi môn bóng đá. Tổng thống Mỹ đã ghi một bàn thắng ngoạn mục bằng “quả bóng công nghệ cao – Soccket Ball” tại giải “Ðiện năng cho Phi châu.”

Tổng thống Obama được nói đến là một người yêu thích môn bóng rổ nhiều hơn, và hầu như ít ai từng nghe nói đến ông biết đá bóng, thế nhưng ông đã cầm một quả bóng đá lên, tung bóng lên không theo đúng động tác thường thấy ở các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp khi bắt đầu với quả bóng trong các bài tập khởi động. Bóng rơi xuống và ông lại tâng bóng lên bằng chân, đoạn ông dùng đầu hãm bóng, và tâng bóng bằng đầu. Ðám đông người Tanzaina chứng kiến rõ ràng đó là Tổng thống Obama của Hoa Kỳ chỉnh tề trong bộ “complete,” chứ không phải phải trong trang phục cầu thủ bóng đá như Messi hay Ronaldo.

Pha biểu diễn bóng đá của Tổng thống Obama là để giới thiệu “quả bóng phát điện,” một phát minh của hai sinh viên tốt nghiệp trường Harvard được xem như là một đóng góp tích cực cho nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu giúp mang điện năng đến cho những khu vực nghèo khó, chưa có điện ở vùng nam hoang mạc Sahara của Phi châu.

Quả bóng mà Tổng thống Obama dùng để biểu diễn trông hoàn toàn giống một quả bóng đá thông thường mà FIFA có thể dùng cho các giải World Cup như quả bóng Brazuca mà FIFA sẽ dùng cho World Cup tại Brazil vào năm tới, ngoại trừ có một lỗ cắm dây sạc điện, và được đặt tên là “SOCCKET ball.” Tên quả bóng được lắp ghép bằng các từ trong tiếng Anh, gồm “soccer” là môn bóng đá theo lối nói của người Mỹ, và “socket” là cái ổ cắm điện.

Cầm qủa bóng lên, Tổng thống Obama cùng với nhà phát minh ra quả bóng giới thiệu: “Bạn mang quả bóng này ra đá khoảng nửa tiếng thì nó sẽ tạo ra một lượng điện năng có thể sắp sáng bóng đèn đọc sách được vài tiếng, hoặc có thể dùng để sạc pin cho điện thoại được.”

Quả bóng “công nghệ cao” được làm ra và mang đến châu Phi từ phát minh của cô Jessica O. Matthews và Julia Silverman.

Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất thế giới, và ở một số quốc gia bóng đá còn là một sinh kế. Trong lúc trưởng thành, cô Matthews cũng hiểu về bóng đá như vậy, và vào một lần đi thăm Nigeria, quê cha đất tổ của cô, để dự đám cưới của người dì, cô có dịp chứng kiến cảnh thường xuyên cúp điện ít được thấy ở Mỹ.

“Cúp điện là chuyện thường ngày ở đó,” cô Matthews nói, “nhưng hôm đó thì tôi thật là thất vọng khi ngày đám cưới của dì tôi lại bị cúp điện. Tôi hỏi người nhà của dì tôi là mình có thể chạy máy phát điện ở nhà được không, và tôi nhớ lại là mọi người xem tôi như người đang nói chuyện giả tưởng. Mọi người ở đây đã quá quen với chuyện này đến nỗi họ xem đó là ‘chuyện thường ngày ở huyện,’ và hầu như chẳng ai bận tâm nghĩ đến việc phải tìm cách khắc phục hay thay đổi.”

Vài năm sau đó, cô Matthews có mặt trong nhóm sinh viên năm thứ ba của đại học Harvard được giao cho đề tài nghiên cứu giải quyết một vấn đề xã hội nào đó bằng nghệ thuật hoặc khoa học.

“Chúng tôi chọn lấy môn thể thao được yêu chuộng nhất, đó là bóng đá, và chúng tôi chọn lấy một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới, đó là vấn đề năng lượng sạch và tiếp cận với năng lượng, và phát động rằng chúng tôi sẽ trao cho các bạn chính môn chơi mà các bạn thích, rồi môn chơi đó sẽ mang lại điện năng cho bạn nữa.”

Ðề tài nghiên cứu chế tạo một quả bóng đá phát ra điện từ việc đá quả bóng đó, và tích trữ điện năng đó lại, để sau đó dùng thắp sáng đèn thật là lý thú và có ý nghĩa lớn đối với cô Matthews và cô Silverman, và cả hai đã quyết tâm lập ra một công ty mang tên Uncharted Play để phát triển dự án đó.

Cô Matthews nói: “Dự án quả bóng phát điện này nhắm mục đích giáo dục về năng lượng sạch, về năng lượng tái tạo, về năng lượng thay thể, được tạo ra bằng cách thức có ý nghĩa và lý thú.”

Trong một thế giới với 2,6 tỉ người không có điều kiện tiếp cận với nguồn điện năng ổn định, quả bóng phát điện Soccket Ball có thể là một giải pháp tích cực cho vấn đề.

“Bên trong quả bóng có một quả lắc, với cơ chế hoạt động có thể được hình dung như quả lắc trong đồng hồ tự động,” cô Matthews giải thích. “Quả lắc đó sẽ chuyển động năng từ sự di chuyển của quả bóng sang cơ cụ phát điện, và điện được tích vào một cục pin.” Quả bóng được mang ra đá trong khoảng 30 phút sẽ tạo được một lượng điện năng có thể thắp sáng một điốt phát quang, còng gọi là bóng đèn LED, đủ sáng để đọc sách được đến vài giờ đồng hồ, hoặc có thể dùng để nạp điện cho pin điện thoại.

Các chân sút và nhất là thủ môn có thể an tâm là quả bóng phát điện không quá nặng như những gì được mô tả. Cô Matthews giải thích rằng áp dụng các công nghệ của điện thoại di động đã giúp giảm thiểu đáng kể trọng lượng của quả bóng, và nó chỉ nặng hơn quả bóng đá thông thường chừng 30 cho đến 50 gram, và với công nghệ mới liên tục phát triển, cô Matthews hy vọng một ngày gần đây trọng lượng của quả bóng Soccket sẽ giảm xuống ngang bằng với quả bóng đá thông thường.

Dự án bóng phát điện này nhận được sự tán dương của các cầu thủ bóng đá nổi tiếng, các nhân vật nổi tiếng thế giới, trong đó có Cựu Tổng thống Bill Clinton

Ông Clinton nói: “Thật là tuyệt duyệt - đá bóng bật sáng đèn!”

Trong chuyến công du đến châu Phi kết thúc hồi đầu tuần này, Tổng thống Obama đã giới thiệu một chương trình trợ giúp phát triển của Hoa Kỳ mang tên “Ðiện năng cho Phi châu” trị giá 7 tỉ đôla với mục tiêu đề ra là tăng đôi điều kiện tiếp cận với điện năng cho châu lục này. Và quá bóng Soccket ball được giới thiệu như là một đóng góp tích cực trong chương trình đó.

Ða số những người hâm mộ môn bóng đá lẫn những người không thích môn này đều công nhận Soccket ball là một bàn thắng đẹp.

 

No comments :

Post a Comment